Chính sách

Chuẩn bị thay thế Luật Hàng không dân dụng Việt Nam

Nguyệt Quỳnh 18/04/2025 15:53

Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn tất Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Dự thảo Luật Hàng không dân dụng (thay thế) có nhiều điểm mới nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư hạ tầng, phát triển logistics hàng không…

att.7z_c7iyblrur1h9ifmtvfdx_tfeacai3dhkmupzmgg4.jpg
Ảnh: Phan Công.

Dự thảo Luật Hàng không dân dụng (Luật HKDD) Việt Nam vừa được Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện, nhằm thay thế Luật hiện hành sau 19 năm thi hành, với nhiều điểm đổi mới mạnh mẽ phù hợp với sự phát triển công nghiệp hàng không, ứng dụng công nghệ và xu hướng hội nhập quốc tế.

19 năm thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam

Cục Hàng không cho biết sau 19 năm thực hiện, Luật HKDD Việt Nam đã thiết lập được hành lang pháp lý cho hoạt động hàng không của Việt Nam. Hệ thống quản lý và giám sát an toàn hàng không được thiết lập phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); đảm bảo năng lực giám sát an toàn bay theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam tiếp cận tới các thị trường khó tính như Bắc Mỹ, châu Âu. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đứng đầu khu vực về năng lực giám sát, quản lý an toàn hàng không.

Dây chuyền cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, hệ thống cơ sở điều hành bay đảm bảo độ tin cậy, tính sẵn sàng, mức độ dự phòng và an toàn khai thác ở mức cao cho tất cả vùng trời sân bay, vùng FIR do Việt Nam quản lý, điều hành.

Hệ thống bảo đảm an ninh hàng không tại Việt Nam được thiết lập đầy đủ, vận hành hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hoạt động hàng không dân dụng, được ICAO đánh giá cao; đáp ứng yêu cầu của các đường bay có tiêu chuẩn cao về an ninh hàng không: Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc.

Các cảng hàng không, sân bay được đầu tư, xây dựng, cải tạo nâng cấp đã nâng cao năng lực khai thác, bảo đảm an ninh, an toàn, phục vụ nhu cầu an ninh quốc phòng, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, thực hiện liên kết vùng và kết nối quốc tế.

Đến thời điểm cuối năm 2024, số lượng tàu bay khai thác của 5 hãng hàng không Việt Nam là 211 tàu và đều có kế hoạch tiếp tục bổ sung, tăng cường đội tàu bay.

Thị phần vận chuyển quốc tế luôn đạt trên 42% với năng lực cạnh tranh ngày càng cao của các hãng hàng không. Hoạt động hàng không chung bước đầu hình thành và phát triển đa dạng, phong phú với nhiều loại hình khai thác cơ bản đáp ứng nhu cầu kinh tế, nhu cầu của người dân. Công tác quản lý chất lượng dịch vụ ngành hàng không ngày càng được cải thiện, đặc biệt chất lượng công tác dịch vụ vận chuyển hành khách được nâng cao, tiệm cận dần với chất lượng dịch vụ quốc tế...

04fcc31483fd30a369ec.jpg
Đến thời điểm cuối năm 2024, số lượng tàu bay khai thác của 5 hãng hàng không Việt Nam là 211 tàu. Ảnh: CAAV.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đã đạt được, Cục Hàng không cho biết trong quá trình triển khai thi hành Luật HKDD Việt Nam đã xuất hiện một số tồn tại, phát sinh trong công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng không dân dụng.

Nội dung quy định về Nhà chức trách hàng không, người đứng đầu Nhà chức trách hàng không trong Luật HKDD Việt Nam vẫn chưa đảm bảo đầy đủ theo các quy định của ICAO.

Quy định về an toàn hàng không chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ đối với các lĩnh vực hoạt động hàng không (cảng hàng không, sân bay, vận tải hàng không, quản lý hoạt động bay, khai thác tàu bay), chưa đáp ứng đầy đủ quy định của ICAO và thông lệ quốc tế.

Quy định về khai thác tàu bay và xuất khẩu tàu bay chưa phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; quy định về quy hoạch vùng thông báo bay (FIR) tại Luật HKDD Việt Nam và Luật Quy hoạch chưa phù hợp với quy định của quốc tế.

Các quy định về ký hợp đồng với nhân viên hàng không trong Luật HKDDVN chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và cách thức vận hành thị trường lao động hàng không trên thế giới, chưa tối ưu hóa công tác tuyển chọn, sử dụng lao động.

Các quy định về trách nhiệm bảo đảm an ninh hàng không cũng cần được cập nhật để đảm bảo tính pháp lý do công tác quản lý nhà nước về an ninh hàng không đã được Bộ Công an tiếp nhận.

Chưa có sự thống nhất trong "quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay" tại Luật HKDD Việt Nam và "quy hoạch cảng hàng không, sân bay" tại Luật Quy hoạch; quy định về thẩm quyền trong công tác lập quy hoạch đối với sân bay chuyên dùng...

Hệ thống pháp luật về đầu tư, xây dựng có nhiều thay đổi; công tác bảo trì, nâng cấp, mở rộng các công trình hàng không có tính chất lưỡng dụng gặp nhiều khó khăn do thiếu các quy định; các quy định về "doanh nghiệp cảng hàng không", "người khai thác cảng hàng không", "dịch vụ hàng không", "dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay" chưa đảm bảo tính rõ ràng, thống nhất, không phù hợp với thực tiễn quản lý gây khó khăn, cản trở việc phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Đồng thời chưa có quy định về kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam phải phù hợp với kế hoạch và năng lực kết cấu hạ tầng, năng lực giám sát an toàn hàng không của Nhà chức trách hàng không…

Do đó, Luật HKDD Việt Nam cần phải được xem xét để thay thế nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực hàng không dân dụng; khắc phục những vướng mắc, bất cập cũng như đề xuất, giải quyết các vấn đề mới, vấn đề phát sinh. Đồng thời khơi thông các điểm nghẽn, tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Những chính sách nổi bật mới của Dự thảo Luật HKDD Việt Nam (thay thế)

Theo Cục Hàng không Việt Nam, Dự thảo Luật Hàng không dân dụng lần này tập trung hoàn thiện khung pháp lý cho công tác quản lý nhà nước chuyên ngành. Một trong những điểm nổi bật là tăng cường năng lực giám sát, kiểm tra an toàn hàng không cho cơ quan quản lý; đồng thời bổ sung vai trò, chức năng cho Nhà chức trách hàng không và Cảng vụ hàng không.

Ngoài ra, Dự thảo cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển công nghiệp hàng không trong nước, bao gồm chính sách ưu đãi, đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng ngành hàng không hiện đại và phát triển bền vững.

hang khong s (106)
Xây dựng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển công nghiệp hàng không, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để phát triển ngành hàng không hiện đại, phát triển bền vững. Ảnh: Khánh Huyền.

Về an toàn hàng không, Dự thảo luật cập nhật đầy đủ các yêu cầu của ICAO, nhất là trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn quốc gia và bảo đảm sự độc lập giữa cơ quan điều tra tai nạn và cơ quan quản lý nhà nước về hàng không.

Đặc biệt, Luật mới nhấn mạnh việc phối hợp hiệu quả giữa hàng không dân dụng và quân sự trong điều hành bay, quản lý bề mặt chướng ngại vật hàng không. Cơ chế phân cấp và tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong việc kiểm soát độ cao công trình, quy hoạch khu vực sân bay cũng được đưa vào nội dung dự thảo.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Hàng không dân dụng mở rộng cơ chế thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào lĩnh vực hàng không, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý.

Cùng với đó, Dự thảo khuyến khích đột phá về khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Dự thảo Luật lần này cũng hướng đến khắc phục hàng loạt bất cập từ Luật hiện hành như: Thiếu thống nhất về quy hoạch sân bay, chưa tương thích các điều khoản về xuất khẩu máy bay, ký hợp đồng nhân lực hàng không chưa phù hợp Bộ luật Lao động, quy định chưa rõ ràng về doanh nghiệp cảng hàng không và người khai thác cảng hàng không, sân bay…

Dự kiến Chính phủ trình Quốc hội Dự thảo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) vào kỳ họp tháng 10/2025 để xem xét, thông qua.

Nguyệt Quỳnh