Hàng không vũ trụ

Phát hiện dấu vết mạnh mẽ của sự sống ngoài Trái Đất

Thu Ngoan 18/04/2025 11:20

Các nhà thiên văn học, nhờ vào kính viễn vọng không gian James Webb, đã thu thập được những bằng chứng rõ rệt nhất từ trước đến nay về khả năng tồn tại sự sống ngoài hệ Mặt trời.

Theo Aerotime, các nhà khoa học đã sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb để quan sát hành tinh K2-18b, nằm cách Trái đất 124 năm ánh sáng trong chòm sao Sư Tử. Trong quá trình nghiên cứu, họ đã phát hiện dấu vết hóa học của dimethyl sulfide (DMS) và dimethyl disulfide (DMDS) trong khí quyển hành tinh này — những hợp chất trên Trái đất chỉ được tạo ra bởi các sinh vật sống, chủ yếu là sinh vật phù du.

Anh 01
Hành tinh K2-18b nằm cách Trái đất 124 năm ánh sáng trong chòm sao Sư Tử. Ảnh: ESA/Hubble.

“Đây là bằng chứng mạnh mẽ nhất cho đến hiện tại về khả năng có hoạt động sinh học ngoài hệ Mặt trời. Chúng tôi đã quan sát và phân tích rất thận trọng” nhà vật lý thiên văn Nikku Madhusudhan, thuộc Đại học Cambridge, dẫn đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.

Ông Nikku Madhusudhan cũng cho rằng nhiều thập kỷ sau, chúng ta có thể nhìn lại thời điểm này và nhận ra rằng đây là lúc vũ trụ sống động đã thực sự nằm ngay trong tầm tay. Đây có thể là bước ngoặt, giúp trả lời câu hỏi liệu con người chúng ta có đơn độc trong vũ trụ bao la này hay không.

Trước đây, các nghiên cứu lý thuyết đã dự đoán rằng những hành tinh kiểu Hycean — tức các hành tinh đại dương với khí quyển giàu hydro ngoài hệ Mặt trời — có thể chứa hàm lượng cao các khí gốc lưu huỳnh như DMS và DMDS. Giờ đây, các nhà khoa học đã xác nhận những dự đoán này qua quan sát thực tế. Dựa trên tất cả những thông tin hiện có, mô hình về một thế giới Hycean với các đại dương tràn ngập sự sống được xem là kịch bản phù hợp nhất với dữ liệu thu thập được

Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý rằng họ chưa xác nhận sự tồn tại của sinh vật sống, mà mới chỉ phát hiện những dấu hiệu sinh học tiềm năng. Những kết quả này cần được đánh giá thận trọng và đòi hỏi thêm nhiều quan sát bổ sung để xác thực.

Anh 02 (1)
Kính viễn vọng James Web đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu mới. Ảnh: NASA.

Hành tinh K2-18b có khối lượng gấp 8,6 lần Trái đất và đường kính lớn hơn khoảng 2,6 lần. Đây là một trong số ít các ngoại hành tinh quay quanh ngôi sao chủ trong vùng có thể sinh sống, còn được gọi là 'vùng Goldilocks' — nơi điều kiện không quá nóng cũng không quá lạnh, cho phép nước tồn tại ở thể lỏng. Mà nước, như đã biết, là yếu tố thiết yếu cho sự sống.

DMS và DMDS đã được phát hiện trong khí quyển của hành tinh này với độ tin cậy lên tới 99,7%, đồng nghĩa vẫn tồn tại 0,3% khả năng kết quả quan sát là do sai số thống kê. Hai loại khí này được ghi nhận ở nồng độ hơn 10 phần triệu theo thể tích trong khí quyển.

Vào năm 2023, các nhà khoa học đã phát hiện khí methane và carbon dioxide trong bầu khí quyển của K2-18b. Đây là lần đầu tiên các phân tử gốc carbon được xác định trên một ngoại hành tinh nằm trong vùng có thể sinh sống.

Thu Ngoan