Cách đội vệ sinh làm sạch tàu bay trong 8 phút trước giờ cất cánh
Mỗi phút trên sân đỗ là một cuộc đua ngầm giữa áp lực quay vòng tàu bay và yêu cầu khắt khe về vệ sinh – từ cabin, ghế ngồi đến buồng lái. Làm thế nào để trong vỏn vẹn chưa đầy 10 phút, một chiếc máy bay có thể được làm sạch, khử khuẩn, kiểm tra kỹ lưỡng và sẵn sàng cho hành trình kế tiếp?
.jpg)
Tùy từng cấp độ, thời gian vệ sinh máy bay thường rất gấp rút, nhằm đảm bảo tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay nhưng vẫn đảm bảo an toàn và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho hành khách trong mỗi chuyến bay.
Nhiều cấp độ vệ sinh máy bay
Trong ngành hàng không, sự sạch sẽ và an toàn của máy bay đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong việc đảm bảo trải nghiệm thoải mái cho hành khách mà còn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của hãng hàng không.
Với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, công tác vệ sinh máy bay được triển khai theo nhiều cấp độ, từ cơ bản đến chuyên sâu, phù hợp với từng giai đoạn hoạt động của máy bay.
Các cấp độ này bao gồm: Vệ sinh trên chuyến bay khi máy bay đang trong quá trình thực hiện chuyến bay; Vệ sinh sau chuyến bay khi máy bay quay đầu hoặc quá cảnh tại tất cả các sân bay trong và ngoài nước; Vệ sinh cuối ngày khi máy bay dừng tại sân bay căn cứ; Vệ sinh tổng thể khi máy bay dừng tại sân bay căn cứ sau một chu kỳ khai thác và Vệ sinh công nghiệp khi máy bay thực hiện bảo dưỡng định kỳ tại xưởng.
.jpg)
Trong đó, vệ sinh công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tiêu chuẩn an toàn và chất lượng dịch vụ hàng không. Đây là một phần không thể thiếu trong quy trình bảo dưỡng định kỳ, giúp máy bay luôn ở trạng thái tốt nhất, đảm bảo sự thoải mái và an toàn cho hành khách cũng như phi hành đoàn.
Tại Vietnam Airlines, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) chịu trách nhiệm tổ chức và thực hiện công tác vệ sinh công nghiệp máy bay một cách bài bản và chuyên nghiệp. Đơn vị này phối hợp chặt chẽ với VIAGS trong quá trình vệ sinh tổng thể định kỳ máy bay, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng vật tư và nhân lực để thay thế các thiết bị theo yêu cầu.
Các thiết bị nội thất như vỏ ghế, rèm cửa, thảm… được kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện tình trạng bẩn, rách hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh…sẽ được thay mới.
.jpg)
Bên cạnh đó, theo định kỳ bảo dưỡng ứng với các đợt kiểm tra, doanh nghiệp này sẽ thực hiện thay thế các thiết bị nội thất theo quy định, đảm bảo sự sạch sẽ và tình trạng hoạt động tốt.
Đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với đại diện của Vietnam Airlines và đáp ứng kịp thời các yêu cầu kỹ thuật từ các đơn vị vệ sinh và Tổng công ty. Ngoài ra, công tác phun thuốc và đặt mồi diệt côn trùng được triển khai định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất khi có yêu cầu nhằm đảm bảo vệ sinh và an toàn cho máy bay.
Cuối cùng, trước khi bàn giao máy bay sau quá trình bảo dưỡng, phải luôn đảm bảo tình trạng vệ sinh sạch sẽ theo tiêu chuẩn quy định, với sự xác nhận từ bên nhận bàn giao. Quy trình này giúp duy trì chất lượng cao nhất cho máy bay, góp phần nâng cao trải nghiệm của hành khách và uy tín của hãng hàng không.
Những cuộc chạy đua thầm lặng
Theo đánh giá của Vietnam Airlines, vệ sinh tàu bay là một yếu tố quan trọng, đóng vai trò không thể thiếu trong việc đảm bảo chất lượng dịch vụ và hình ảnh của Hãng hàng không Quốc gia. Đây không chỉ là nhiệm vụ thường xuyên mà còn là yêu cầu cần thiết để duy trì sự tin tưởng của hành khách và nâng tầm dịch vụ của hãng.
Thông thường, quy trình vệ sinh công nghiệp cho máy bay phải tuân thủ những nguyên tắc chặt chẽ nhằm đảm bảo máy bay luôn sạch sẽ và đạt tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất. Mọi loại rác và vết bẩn, từ thông thường đến khó tẩy rửa, đều phải được loại bỏ tại tất cả các vị trí trong khoang máy bay.
.jpg)
Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng, nhân viên Chi nhánh Bảo dưỡng nội thất của VAECO chia sẻ, quy trình làm việc của nhân viên vệ sinh máy bay bao gồm làm sạch toàn bộ nội thất trên máy bay, từ trần đèn, giá hành lý, ghế, tay ghế, cho đến nhà vệ sinh, bếp ăn, kể cả cockpit…
Sau quá trình vệ sinh, toàn bộ vật dụng và trang thiết bị phải được lau khô để tránh ẩm mốc, đồng thời tàu bay phải không còn mùi khó chịu. Các quy định nghiêm ngặt cũng được áp dụng, chẳng hạn như không đổ vật cứng vào bồn cầu để tránh gây hư hỏng.
Bên cạnh đó, vỏ ghế và nệm ghế phải nguyên vẹn, không bị rách hay ẩm mốc, tất cả vết bẩn, kể cả những vết bẩn đặc biệt, đều phải được xử lý triệt để. Khung màn hình cá nhân cần được vệ sinh sạch sẽ, không còn bụi bẩn, trong khi xe đựng rác phải hoàn toàn không có rác thải hay mẩu vụn.
Sau khi hoàn tất quy trình vệ sinh, máy bay được xịt thuốc khử trùng và kiểm tra để đảm bảo không có mùi hôi, mang lại môi trường sạch sẽ và an toàn tuyệt đối cho hành khách và phi hành đoàn.
.jpg)
Là đơn vị tham mưu, xây dựng tiêu chuẩn và quy trình vệ sinh máy bay, Ban Dịch vụ hành khách - Vietnam Airlines, đối mặt với thách thức làm sao để đáp ứng yêu cầu về độ sạch sẽ, an toàn, nhưng vẫn phải đảm bảo tính kịp thời.
Đại diện ban Dịch vụ Hành khách – chị Trần Thanh Hà, Phó Trưởng phòng Dịch vụ trên không cho biết, đơn vị này không ngừng nghiên cứu, đơn giản hóa các công việc nhằm giảm tối đa thời gian phục vụ cho các bộ phận dưới mặt đất và trên chuyến bay.
Ví dụ, khi cung cấp suất ăn, đơn vị phải tính toán để hạn chế lượng rác phát sinh, giúp tiếp viên thu dọn nhanh hơn. Ngoài ra, đơn vị cũng thử nghiệm các công cụ như máy hút bụi mini để xử lý vụn thức ăn ngay trên máy bay thay vì đợi đến khi hạ cánh.
Khi thời gian bị rút ngắn, khối lượng công việc vẫn giữ nguyên, thậm chí có những tình huống phát sinh khó lường.
Theo chị Hà, chỉ trong vài phút ngắn ngủi, những nhân viên vệ sinh trực tiếp thực hiện công tác dọn dẹp khoang máy bay cần làm sạch toàn bộ khu vực khoang khách, nhà vệ sinh, bếp, ghế ngồi, bàn ăn và những chi tiết nhỏ nhất như dây đai an toàn hay cửa sổ.
Mọi tiêu chuẩn vệ sinh đều phải đảm bảo nghiêm ngặt để chuyến bay kế tiếp diễn ra đúng lịch trình.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực hạn chế, việc phân công công việc tối ưu là một bài toán hóc búa. Mỗi ngày, đội ngũ vệ sinh phải làm sạch hàng chục chuyến bay, với đặc thù mỗi loại máy bay có cấu trúc khác nhau. Dù khối lượng công việc khổng lồ, nhưng đây vẫn là yêu cầu bắt buộc từ bộ phận điều hành, đặc biệt trong giai đoạn thiếu hụt máy bay.

Anh Lê Hoài Ninh – trực Đội dịch vụ trên tàu, trung tâm dịch vụ sân đỗ VIAGS chia sẻ, những khi hành khách xuống muộn, thời gian vệ sinh máy bay càng bị rút ngắn. Trong tình huống này, nhóm phục vụ buộc phải tăng tốc để hoàn thành công việc. Nếu khối lượng công việc quá lớn, cán bộ trực ca sẽ điều động thêm nhân sự hỗ trợ.
Với những chuyến bay đường dài, lượng rác thải nhiều hơn, cán bộ kíp phải kiểm soát thực tế và đánh giá khối lượng công việc để kịp thời điều phối.
“Thời gian vệ sinh trung bình trước đây là 19 phút cho máy bay Airbus A321, nhưng hiện nay chỉ còn 8 phút. Điều này đòi hỏi phải phối hợp nhanh chóng và chính xác để đảm bảo tàu quay đầu đúng giờ”, anh Ninh chia sẻ.
Ngoài ra, trước mỗi chuyến bay có thời gian quay đầu ngắn, đội giám sát sẽ kiểm tra và xác định mức độ rút ngắn thời gian cần thiết. Nếu yêu cầu gấp hơn tiêu chuẩn, sẽ bổ sung thêm nhân sự để đảm bảo tiến độ.
Bên cạnh các đội vệ sinh chuyên biệt, đoàn tiếp viên, những người gắn bó mật thiết với chuyến bay, không chỉ phụ trách phục vụ hành khách, cũng là những còn trực tiếp tham gia thu hồi rác, dọn dẹp khu vực nhà vệ sinh cứ mỗi 10 phút/lần, góp phần giảm thiểu 70-80% rác bề mặt.