Trong nước

Thủ tướng yêu cầu ACV tích cực hơn nữa trong xây dựng sân bay Long Thành

Khánh Nguyên 15/04/2025 15:49

Làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước sáng 15/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng.

Với chủ đề "Doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng", đây là cuộc làm việc thứ hai giữa Chính phủ với các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian ngắn vừa qua.

Theo Thủ tướng, chỉ trong thời gian ngắn nhưng tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, các cú sốc bên ngoài sẽ tác động mạnh tới chúng ta.

Trước những khó khăn, thách thức trong những năm qua như đại dịch COVID-19, xung đột nổ ra tại nhiều nơi, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiên tai, bão lũ…, chúng ta đều đã vượt qua được nhờ phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, trong đó có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước.

img1119-1744682130543710639623.jpg
Thủ tướng yêu cầu mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lúc này cần phải lớn mạnh hơn nữa. Ảnh: VGP.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình, những vấn đề mới nổi lên, có giải pháp phù hợp.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu mỗi tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong lúc này cần phải lớn mạnh hơn nữa, xông pha, nỗ lực, tham gia mạnh mẽ hơn vào thực hiện 3 đột phá chiến lược, tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và tìm kiếm các thị trường mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…

Thủ tướng lấy ví dụ, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cần tích cực hơn nữa trong triển khai sân bay Long Thành, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) tích cực hơn nữa trong xây dựng cao tốc Bến Lức – Long Thành…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, mặc dù số lượng các tập đoàn, tổng công ty chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước nhưng có vai trò, vị trí quan trọng, nắm giữ một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế.

Do đó, các doanh nghiệp nhà nước phải phát triển, tăng trưởng, ngày càng lớn mạnh, trưởng thành, trên cơ sở thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tăng năng năng suất lao động; vừa phát triển cho chính mình, vừa góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, góp phần thực hiện 2 mục tiêu 100 năm (tới năm 2030 và 2045) đã đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu ổn định và phát triển, gồm ổn định bên trong và bên ngoài, ổn định lòng dân, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước và với từng doanh nghiệp.

Nhà ga hành khách, trái tim của sân bay Long Thành, đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng. Ảnh: Trần Khánh.
Nhà ga hành khách, trái tim của sân bay Long Thành, đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng. Ảnh: Trần Khánh.

Về giải pháp chuyển đổi số, Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm quan trọng: Các doanh nghiệp phải hoàn thiện quy trình, quy định, chuẩn hóa theo chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ để thúc đẩy, phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số và góp phần phát triển hạ tầng số của cả nước.

Phải phát triển các sản phẩm số của doanh nghiệp trong các lĩnh vực hoạt động, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp; phát triển số nhanh, mạnh, hiệu quả nhưng phải quản lý được, bảo đảm an ninh, an toàn số, góp phần vào an ninh, an toàn số quốc gia; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số, góp phần phát triển công dân số vì con người là vốn quý nhất để sử dụng trí tuệ nhân tạo và phải thắng trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng lưu ý, tất cả các nhiệm vụ này phải hòa chung vào quá trình chuyển đổi số của cả nước, trong đó có phong trào Bình dân học vụ số.

Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ, các doanh nghiệp phải chú ý làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Về xuất khẩu, Thủ tướng đánh giá hiện đang khó khăn, nhưng không đến mức khó khăn như những khó khăn trước đây đã từng vượt qua. Theo đó, không phải bây giờ thị trường xuất khẩu mới bị thu hẹp mà đã bị thu hẹp từ lúc đại dịch COVID-19, xung đột, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Các doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và năng động, sáng tạo tìm kiếm các thị trường mới trên thế giới như Trung Đông, Trung Á, Halal, Mỹ Latinh, châu Phi… và củng cố các thị trường truyền thống, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Tiết kiệm hơn nữa để tập trung cho đầu tư, mở rộng đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm hệ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR). Về tiêu dùng, cần chú trọng mở rộng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tận dụng cơ hội thị trường 100 triệu dân.

Cùng với đó, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức; đổi mới hoạt động, quản trị thông minh, giảm chi phí quản lý.

Thủ tướng lưu ý, các doanh nghiệp nhà nước phải phối hợp với nhau, học tập, hỗ trợ lẫn nhau và với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa. Các cơ quan, doanh nghiệp cần đánh giá, khuyến khích, khen thưởng đúng lúc, kịp thời, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ngành đường sắt tích cực chuyển đổi số

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, doanh nghiệp này đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt đã triển khai các hệ thống mạng diện rộng: Mạng giao dịch điện tử, sàn giao dịch vận tải hàng hóa, điều hành giao thông vận tải đường sắt, cơ quan điện tử hỗ trợ điều hành vận tải đường sắt; ứng dụng AI vào công tác chăm sóc khách hàng và quản trị thương nghiệp.

VNR cũng đã chủ động tăng cường chạy tàu ở các tuyến mới, đặc biệt các tuyến ngắn như Hà Nội - Thái Nguyên, tàu du lịch Hoa Phượng Đỏ, Hà Nội - Quy Nhơn - Sài Gòn - Quy Nhơn, tàu du lịch quanh Hà Nội và ga Hải Phòng đi cảng Hải Phòng, Quy Nhơn và nhiều tuyến khác.

Tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của hành khách trên tàu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Chủ động phối hợp với phía Trung Quốc để đưa ra các cái giải pháp khôi phục lại chạy tàu liên vận quốc tế, Nam Ninh - Gia Lâm để phục vụ khách du lịch.

Riêng trong quý I thì hoạt động vận tải liên vận quốc tế của ngành đường sắt đã tăng 20%.

Khánh Nguyên