Quân sự

Tiêm kích J-50 – 'át chủ bài' của Trung Quốc trong cuộc đua thống trị bầu trời

Thu Ngoan 16/04/2025 07:28

Trung Quốc ra mắt tiêm kích J-50, một trong hai mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu do Tập đoàn máy bay Thẩm Dương phát triển. J-50 là một phần trong chiến lược phát triển vũ khí tối tân của Bắc Kinh, nhằm đẩy mạnh khả năng vượt trội trong cuộc đua không quân tương lai.

j-50-fighter-from-china-1.jpg
Ảnh: 19fortyfive.

Trung Quốc đang khiến giới chuyên môn thế giới phải chú ý khi liên tiếp tung ra các nguyên mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ sáu. Với J-50 vừa ra mắt, Bắc Kinh không chỉ phô diễn năng lực công nghệ ngày càng vượt trội mà còn cho thấy tham vọng vượt Mỹ trong cuộc đua làm chủ bầu trời thế kỷ 21.

tiêm kích J-50: đột phá trong thiết kế

Theo trang 19fortyfive, thiết kế của J-50 cho thấy nhiều công nghệ nhắm đến việc đạt được ưu thế trong các kịch bản chiến tranh không gian, các hoạt động mạng và khả năng sống sót trong không phận được phòng thủ chặt chẽ.

Ảnh: 19fortyfive.
Tiêm kích tàng hình J-50 của Trung Quốc được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm. Ảnh: Asiatimes.

Hình dáng của thân máy bay tối ưu hóa khả năng ẩn mình với radar. Máy bay thể hiện các yếu tố thiết kế tàng hình đặc trưng, bao gồm các góc cạnh sắc nét, bề mặt mượt mà và không có các anten lồi hay các điểm phản xạ radar dễ thấy, trong đó có cả cánh lambda.

Cánh lambda vốn đã có nhiều ưu thế, vì kiểu thiết kế này làm tăng tỷ lệ diện tích và cải thiện hiệu quả khí động học so với kiểu cánh hình thang, như những cánh mà Tập đoàn máy bay Thẩm Dương đã sử dụng trên mẫu J-35, trong khi vẫn tuân thủ các yêu cầu về thiết kế cánh với khả năng tàng hình.

Tiêm kích J-50 được cho là tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống điều khiển bay, cho phép phân tích tự động các tình huống chiến đấu, nhận diện mục tiêu và ra quyết định chiến thuật. Việc tự động hóa này giúp phi công giảm tải các thao tác lặp lại, tập trung hơn vào việc điều phối chiến dịch ở cấp độ chiến lược.

Một chi tiết gây tò mò đó là phần đầu cánh có khả năng điều chỉnh. Ngoài ra, hệ thống điều hướng lực đẩy hai chiều cũng được ghi nhận.

Bộ càng hạ cánh mũi gồm hai bánh, trong khi càng chính mỗi bên chỉ có một bánh. Dù không phải thiết kế mới, nhưng chi tiết này tiếp tục làm nổi bật sự khác biệt giữa J-50 và mẫu máy bay đã được phát triển trước đó – vốn sử dụng càng chính kép sắp xếp theo chiều dọc.

j50-china.jpg
Tiêm kích J-50 được cho là tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hệ thống điều khiển bay, cho phép phân tích tự động các tình huống chiến đấu. Ảnh: Asiatimes.

Các nhà phân tích như Thomas Newdick và Tyler Rogoway (The War Zone) nhận định thiết kế không đuôi và cánh có thể xoay của J-50 giúp cải thiện khả năng điều khiển lăn và ngẩng nhờ hệ thống điều khiển bay số hóa hiện đại. Dù kiểu thiết kế này làm giảm hiệu suất tàng hình do các bề mặt chuyển động gây phản xạ radar, các kỹ sư Trung Quốc được cho là đã tối ưu bằng cách khóa các bề mặt trong chế độ bay hành trình.

Hai vòi phun điều hướng lực đẩy cũng góp phần tăng độ cơ động – yếu tố quan trọng bù đắp cho nhược điểm về tải trọng và khí động học. Tuy chưa rõ đây là mẫu có người lái hay không, nhưng chi tiết buồng lái vẫn cho thấy khả năng vận hành bởi phi công.

Trung Quốc và Mỹ: Cuộc đua công nghệ tàng hình

Tác giả bài viết trên 19fortyfive, nhà báo Steve Balestrieri cho rằng khi hai mẫu tiêm kích J-50 và J-36 của Trung Quốc thực hiện các chuyến bay thử đầu tiên, nhiều nhà phân tích đã kết luận rằng Bắc Kinh đã vượt qua Washington trong cuộc đua phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ sáu. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy.

j36-china-copy.jpg
Tiêm kích J-36 của Trung Quốc đang đang mong chờ vào đội ngũ biên chế. Ảnh: 19fortyfive.

Nước Mỹ, với các tập đoàn quốc phòng hàng đầu như Lockheed Martin và Boeing, đã âm thầm thử nghiệm những nguyên mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ mới suốt nhiều năm qua tại các cơ sở bí mật ở California. Trong khi đó, cả J-50 lẫn J-36 mới chỉ bắt đầu bay thử vào tháng 12/2024, mà chưa hề có bất kỳ tuyên bố chính thức nào từ phía Trung Quốc. Điều đó cho thấy các mẫu máy bay này vẫn đang ở giai đoạn sơ khai trong quá trình phát triển.

Lịch sử các chương trình tiêm kích tàng hình Trung Quốc cũng củng cố nhận định này. Chẳng hạn, J-20 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2011 nhưng phải đến năm 2017 mới chính thức đưa vào biên chế. Tương tự, J-35 cất cánh lần đầu vào năm 2012 nhưng dự kiến đến năm 2026 mới có thể đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Chuyên gia Alex Hollings của trang Airpower cũng đồng quan điểm khi nhận định rằng hiện chưa rõ liệu J-50 và J-36 có phải là đối trọng thực sự với chương trình ưu thế tác chiến trên không thế hệ mới NGAD (Next Generation Air Dominance) của Mỹ, hay chỉ đơn thuần là những nguyên mẫu thử nghiệm nhằm kiểm nghiệm công nghệ mới để áp dụng vào các thiết kế tương lai.

Theo ông Steve Balestrieri, cũng có khả năng đây là các mẫu tiêm kích sẽ được đưa vào biên chế với hình dạng gần giống như hiện tại. Tuy nhiên, với các hệ thống chiến đấu thế hệ mới, những nguyên mẫu ban đầu thường sẽ trải qua nhiều lần chỉnh sửa thiết kế trước khi được sản xuất hàng loạt và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, theo Aviationist dẫn chia sẻ của chuyên gia Abraham Abrams thuộc Aviation Geek Club lại cho rằng Trung Quốc chỉ mất 6 năm để đưa J-20 từ mẫu thử lên chiến đấu – trong khi F-22 và F-35 của Mỹ phải mất từ 15 đến 20 năm. Với đà tiến bộ hiện tại, Trung Quốc hoàn toàn có thể sớm đưa tiêm kích thế hệ sáu vào biên chế trước Mỹ.

Học giả Vương Tường Tú làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc nhận định Trung Quốc hiện dẫn đầu về hạ tầng thử nghiệm siêu thanh, với các đường hầm gió có thể chạy liên tục ở tốc độ Mach 30 – vượt xa “Z Machine” của Mỹ.

j-35-fighter-1.jpg
Tiêm kích J-35 đang được đón đợi để có thể đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Asiatimes.

Một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) tháng 2/2025 cũng thừa nhận Mỹ đang tụt hậu trong hạ tầng thử nghiệm vũ khí siêu thanh, với các cơ sở phân tán, lạc hậu và chủ yếu thuộc về giới học thuật.

Trong khi đó, Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống đồng bộ, hiện đại hơn, cho phép thử nghiệm liên tục với độ chính xác cao và bảo mật tuyệt đối – yếu tố then chốt giúp tăng tốc độ phát triển công nghệ quốc phòng.

Theo một số chuyên gia quân sự, dù J-50 hay J-36 mới chỉ là nguyên mẫu nhưng sự xuất hiện của chúng cho thấy Trung Quốc đang tăng tốc mạnh mẽ trong cuộc đua phát triển tiêm kích thế hệ sáu và có thể vượt Mỹ.

Thu Ngoan