Bổ sung các chủng loại tàu bay được nhập khẩu vào Việt Nam
Các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được một trong các tổ chức, quốc gia FAA, EASA, Brazil, Canada, Nga, Anh, Trung Quốc cấp hoặc Bộ Xây dựng cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận loại.
Nghị định số 89/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 được Chính phủ ban hành sửa đổi quy định về các chủng loại máy bay nhập khẩu vào Việt Nam.
-ac240068196926f238c831e9b187d122.jpg)
Nghị định nêu trên sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12d Nghị định số 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng đã được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Nghị định số 89/2019/NĐ-CP ngày 15/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và Nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Nghị định số 89/2025/NĐ-CP quy định các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được cấp bởi một trong các tổ chức gồm: Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), nhà chức trách hàng không Brazil, nhà chức trách hàng không Canada, nhà chức trách hàng không Nga, nhà chức trách hàng không Anh, nhà chức trách hàng không Trung Quốc (CAAC); Bộ Xây dựng cấp hoặc công nhận Giấy chứng nhận loại.
Trước đó, Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 89/2019/NĐ-CP của Chính phủ).
Theo Bộ Xây dựng (cơ quan soạn thảo), Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay khi sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu vào Việt Nam phải phù hợp với giấy chứng nhận loại tương ứng do Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) cấp hoặc công nhận.
Hai Nghị định trên nêu rõ, các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp giấy chứng nhận loại.
Thời điểm ban hành Nghị định 92/2016/NĐ-CP chưa quy định nhập khẩu các tàu bay được cấp giấy chứng nhận loại bởi các quốc gia khác ngoài FAA hoặc EASA.
Hơn nữa, theo Bộ Xây dựng, thủ tục cấp giấy chứng nhận loại chỉ được thực hiện khi Việt Nam là quốc gia thiết kế và Cục Hàng không Việt Nam phải xây dựng ban hành các tiêu chuẩn, đồng thời có đủ nguồn nhân lực, trình độ để thực hiện quá trình phê chuẩn.
Việc xây dựng tiêu chuẩn, hoàn thiện quy trình và chuẩn bị đủ nhân lực mất rất nhiều năm. Quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận loại cũng cần rất nhiều thời gian.
Bộ Xây dựng cho rằng việc giới hạn cho phép các tàu bay khai thác tại Việt Nam chỉ có giấy chứng nhận loại do Cục Hàng không Việt Nam hoặc FAA, EASA cấp đã làm giảm cơ hội của các hãng hàng không Việt Nam trong tiếp cận các loại tàu bay được thiết kế, chế tạo bởi các quốc gia khác có năng lực công nghệ tiên tiến.
Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định về quản lý tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam theo hướng: "Các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA), nhà chức trách hàng không Trung Quốc (CAAC), nhà chức trách hàng không Brazil, nhà chức trách hàng không Canada, nhà chức trách hàng không Nga, nhà chức trách hàng không Anh cấp hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp hoặc công nhận giấy chứng nhận loại".
Trong buổi tiếp ông Hạ Đông Phong, Chủ tịch Tập đoàn máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) ngày 14/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn COMAC hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành kinh tế hàng không và khai thác, phát triển không gian vũ trụ.
Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao sự hợp tác hiệu quả thời gian qua giữa Tập đoàn COMAC và Vietjet Air.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Tập đoàn COMAC hợp tác, hỗ trợ các đối tác Việt Nam phát triển đội máy bay, mở rộng các đường bay; tiến tới sản xuất các linh kiện, chế tạo máy bay, phát triển hệ sinh thái ngành hàng không, kinh tế hàng không, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác không gian vũ trụ của Việt Nam. Cùng với hợp tác mua, thuê, thuê mua máy bay, COMAC hợp tác với các đối tác đầu tư các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Việt Nam.
Chủ tịch COMAC Hạ Đông Phong cho biết chỉ sau 17 năm, đến nay COMAC đã trở thành nhà sản xuất máy bay lớn, có uy tín. Khẳng định sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác Việt Nam, Chủ tịch COMAC mong muốn Thủ tướng thường xuyên quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo các đối tác Việt Nam mở rộng quy mô hợp tác với COMAC, không chỉ phát triển vận tải hàng không mà hướng đến phát triển công nghiệp hàng không tại Việt Nam.