Quy định

Hiểu về overbooking - vì sao hãng bay bán nhiều vé hơn số ghế?

Hồng Huế 12/04/2025 10:55

Overbooking – bán vé vượt số lượng ghế trên máy bay – là một chiến lược vận hành lâu đời trong ngành hàng không nhằm tối ưu hiệu suất và giảm thiểu lãng phí từ các chỗ ngồi không sử dụng. Dựa trên phân tích dữ liệu hành vi hành khách, đặc biệt là tỷ lệ không xuất hiện (no-show), các hãng có thể linh hoạt điều phối số lượng vé bán ra.

Nếu không được phép overbook, có thể hãng sẽ phải hoạt động với nhiều ghế trống. Ảnh: Kent Nishimura.
Nếu không được phép overbook, có thể hãng sẽ phải hoạt động với nhiều ghế trống. Ảnh: Kent Nishimura.

Overbooking là gì?

Overbooking là việc hãng hàng không bán số lượng vé cho một chuyến bay nhiều hơn tổng số ghế có sẵn trên máy bay nhằm tối đa hóa doanh thu và hiệu suất khai thác.

Trên thực tế, vì những thay đổi không lường trước được mà mỗi chuyến bay luôn tồn tại một tỷ lệ nhất định hành khách đã đặt vé nhưng không đến làm thủ tục, gọi là "No-show".

Các hãng hàng không dựa vào dữ liệu lịch sử và thống kê của phần mềm hệ thống quản lý doanh thu để dự báo tỷ lệ hành khách không xuất hiện trên từng đường bay, các khung giờ bay để quyết định tỷ lệ overbooking phù hợp. Giả dụ nếu hãng bay đo lường được tỷ lệ khách hàng bỏ chuyến là 10% thì công ty có thể bán thêm 10% số vé để đảm bảo máy bay cất cánh với công suất tối đa.

Vì sao các hãng áp dụng overbooking?

Mục đích của overbooking là giúp hãng hàng không đảm bảo được máy bay cất cánh với tỷ lệ lấp đầy chỗ cao nhất. Vì nếu hành khách hủy vé hoặc muộn giờ checkin, mỗi ghế trống đều là một tổn thất với hãng hàng không. Vì thế, overbook giúp họ tối đa hóa được lợi nhuận.

Hành khách xếp hàng chờ đợi làm thủ tục tại sân bay đông đúc. Ảnh: Robert Hoetink/Shutterstock.
Hành khách xếp hàng chờ đợi làm thủ tục tại sân bay đông đúc. Ảnh: Robert Hoetink/Shutterstock.

Overbook không áp dụng cho tất cả các hãng hàng không mà thường chỉ có ở các hãng truyền thống, giá trung bình cao, khi hành khách có thể hoàn hủy vé mà chỉ mất một chút lệ phí. Với các hãng hàng không giá rẻ, nếu không lên chuyến bay, hành khách sẽ "mất trắng" số tiền bỏ ra, hãng không chịu tổn thất, do đó không cần áp dụng overbook.

Trên thế giới, nhiều hãng bay đã áp dụng overbooking như một chiến lược doanh thu chuẩn mực. Điển hình như Southwest Airlines (Mỹ) duy trì tỷ lệ bị từ chối vận chuyển ở mức thấp nhất, nhờ hệ thống dự báo No-show chính xác và quy trình xử lý khéo léo.

Southwest Airlines (Mỹ) là một trong những hãng hàng không điển hình áp dụng chính sách overbooking. Ảnh: Getty Images.
Southwest Airlines (Mỹ) là một trong những hãng hàng không điển hình áp dụng chính sách overbooking. Ảnh: Getty Images.

Theo báo cáo thường niên của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, năm 2022, tỷ lệ từ chối vận chuyển của Southwest chỉ ở mức 0,56 trên 10.000 hành khách, tương đương 0,0056%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn ngành. Trong khi đó, British Airways của Anh thừa nhận đã bán thừa gần 500.000 vé mỗi năm trong EU, để tối đa hóa doanh thu.

Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không truyền thống duy nhất áp dụng chính sách overbooking. Tỷ lệ overbooking thường dao động từ 3% đến 6%, tùy thuộc vào đường bay và thời điểm cụ thể. Trong một số trường hợp đặc biệt, tỷ lệ này có thể lên đến 20%.

Tuy nhiên, overbooking cũng như con dao hai lưỡi đối với doanh nghiệp. Bài học từ sự việc của United Airlines năm 2017 – khi một hành khách bị cưỡng chế rời máy bay do overbook – đã cho thấy rõ nguy cơ khủng hoảng truyền thông nếu không đặt trải nghiệm hành khách lên hàng đầu.

Sự việc khiến hãng mất hơn 1 tỷ USD giá trị vốn hóa chỉ trong vài ngày đồng thời hứng chịu chỉ trích dữ dội từ công chúng và giới lập pháp Mỹ. Dù CEO của hãng đã công khai xin lỗi và điều chỉnh chính sách, thiệt hại hình ảnh thương hiệu là không hề nhỏ.

Không chỉ hãng hàng không được lợi mà ngay cả khách bay cũng được lợi từ việc áp dụng overbooking. Trong hàng không, mỗi ghế trống trên chuyến bay đồng nghĩa với việc mất đi một phần doanh thu. Điều này khiến chi phí trên mỗi hành khách tăng lên và giá vé bắt buộc phải tăng. Áp dụng nghiệp vụ overbook sẽ giúp các hãng duy trì được mức giá cạnh tranh cho hành khách.

Đồng thời, chiến lược này cũng giúp hãng khai thác tối đa công sát của máy bay, tăng tỷ lệ lấp đầy chỗ, từ đó giảm lượng khí thải CO2 bình quân đầu người trên mỗi chuyến bay.

Quyền lợi của hành khách nếu rơi vào tình huống bị từ chối vận chuyển

Dự báo từ dữ liệu lịch sử thì không thể chính xác hoàn toàn nên đôi khi số người có mặt trên chuyến bay nhiều hơn số ghế trên chuyến bay.

Trong trường hợp này, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) khuyến khích các hãng hàng không ưu tiên thương lượng với hành khách để tìm người tự nguyện đổi chuyến và đền bù cho họ một khoản tiền. Điều này nhằm hạn chế tối đa việc buộc phải từ chối vận chuyển hành khách không tự nguyện, qua đó giảm thiểu các tình huống bức xúc của hành khách.

Tuy nhiên, nếu không đủ số lượng người bỏ chỗ tình nguyện, các hãng sẽ căn cứ vào chính sách của mình để "cắt khách", tình huống này thường được gọi là “bị từ chối lên máy bay không tự nguyện”. Và thông thường những người không thuộc diện khách bay check-in sớm, có hạng vé cao, là hội viên thân thiết của hãng hoặc có chuyến bay nối chuyến sẽ rơi vào trường hợp "bất khả kháng" này.

vha_1574.jpg
Hành khách bị từ chối vận chuyển do chuyến bay "quá tải" sẽ được bồi thường theo quy định. Ảnh minh họa: Hoàng Anh.

Mức bồi thường cụ thể được thiết kế dựa trên độ dài chuyến bay. Theo thông tư 14/2015/TT-BGTVT ngày 27/4/2015 của Bộ GTVT quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không. Đối với các chuyến bay nội địa, hành khách có thể nhận từ 200.000 đến 400.000 đồng tùy vào khoảng cách di chuyển. Đối với chuyến bay quốc tế, mức bồi thường dao động từ 25 USD đến 150 USD, tùy thuộc vào quãng đường bay.

Hành khách có thể nhận bồi thường qua các hình thức như tiền mặt, chuyển khoản ngân hàng hoặc sử dụng các dịch vụ miễn phí khác từ hãng hàng không. Theo quy định, các hãng bay phải hoàn tất việc bồi thường trong vòng 14 ngày kể từ khi nhận yêu cầu từ hành khách.

Vậy nên, để tránh bị rơi vào tình huống bị từ chối lên máy bay do overbook, hành khách cần lưu ý thủ tục sớm, ưu tiên check-in online nếu có thể. Ngoài ra, việc tham gia chương trình hội viên thân thiết của hãng của hãng hoặc mua vé ở hạng cao cấp hơn cũng giúp tăng cơ hội "giữ ghế" nếu chuyến bay bị quá tải.

Nhiều chặng bay dịp lễ 30/4 đã hết vé, tỷ lệ lấp đầy cao hơn 100%

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong dịp lễ 30/4, nhiều chặng bay đã bán hết vé với tỷ lệ lấp đầy vượt mức 100%. Cụ thể, chặng Hà Nội – Đồng Hới ngày 30/4/2025 ghi nhận tỷ lệ lấp đầy lên tới 103%. Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn cao điểm cuối kỳ nghỉ (từ ngày 3 đến 4/5/2025), tỷ lệ này cũng đạt mức tương tự.

Hồng Huế