Thuế quan mới có thể tái định hình thị trường động cơ hàng không
Chính sách thuế quan mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với nguyên vật liệu và linh kiện nhập khẩu đang gây chấn động ngành động cơ tuabin hàng không – lĩnh vực có chuỗi sản xuất toàn cầu phức tạp.
Theo thông tin từ trang Flightplan, các nguyên vật liệu và linh kiện phải đi qua nhiều nước trước khi hoàn thiện khiến lĩnh vực động cơ tuabin hàng không đặc biệt dễ bị tổn thương bởi các biện pháp thuế quan.
Chẳng hạn như Pratt & Whitney Canada – nhà sản xuất hàng đầu thế giới về động cơ turboprop và turbofan cỡ nhỏ – là công ty con của tập đoàn Mỹ Pratt & Whitney, nhưng lại đặt trụ sở bên ngoài nước Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ tàu bay nào sản xuất tại Mỹ sử dụng động cơ PT6A đều sẽ phải chịu mức chi phí cao do thuế nhập khẩu linh kiện và nguyên vật liệu cấu thành động cơ.

Một ví dụ khác là động cơ CFM LEAP – cung cấp lực đẩy cho dòng Boeing 737 MAX – do liên doanh giữa GE Aerospace (Mỹ) và Safran (Pháp) sản xuất. Chuỗi cung ứng của loại động cơ này trải rộng nhiều quốc gia, đặc biệt là Pháp. Như vậy bất kỳ gián đoạn nào cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất máy bay thân hẹp – phân khúc quan trọng của ngành hàng không toàn cầu. Các loại động cơ khác do Mỹ sản xuất cũng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu tương tự.
Thực tế cho thấy, các nhà sản xuất động cơ Mỹ không thể tách rời khỏi các nhà cung ứng quốc tế. Việc sản xuất hoàn toàn nội địa, không sử dụng linh kiện nhập khẩu, gần như là bất khả thi. Ngành hàng không bị ràng buộc bởi các quy định an toàn nghiêm ngặt, đòi hỏi mọi bộ phận đều phải trải qua quá trình chứng nhận phức tạp và mất nhiều thời gian. Do đó, không đơn giản khi thay thế linh kiện nhập khẩu bằng linh kiện trong nước nếu không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn. Thêm vào đó, việc xây dựng các cơ sở sản xuất nội địa hoàn chỉnh từ đầu là một quá trình tốn kém và kéo dài nhiều năm, không thể giúp doanh nghiệp “miễn nhiễm” ngay lập tức trước áp lực tài chính do thuế quan gây ra.
Hệ quả là các “ông lớn” ngành sản xuất động cơ hàng không Mỹ như GE Aerospace hay Pratt & Whitney buộc phải đối mặt với thực tế: chính họ sẽ là những người chịu tổn thất đầu tiên khi phải nhập khẩu nguyên vật liệu và linh kiện chuyên dụng với giá cao hơn. Và tất yếu là chi phí tăng sẽ được chuyển sang khách hàng – các hãng sản xuất máy bay. Giá động cơ tăng đồng nghĩa với giá thành máy bay cũng tăng theo, gây áp lực tài chính lên các hãng hàng không, đơn vị vận tải hàng hóa và người sử dụng cuối cùng. Về lâu dài, điều này có thể khiến số lượng đơn đặt hàng giảm và làm chậm lại quá trình hiện đại hóa đội bay.
Không chỉ tác động đến việc mua sắm động cơ mới, chi phí bảo dưỡng máy bay tại Mỹ cũng sẽ tăng vọt. Việc đánh thuế cao với hàng loạt linh kiện thay thế nhập khẩu sẽ khiến các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu (MRO) trong nước phải chịu gánh nặng chi phí lớn hơn, làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trước bài toán chi phí vận hành, các hãng khai thác máy bay sẽ có xu hướng tìm đến dịch vụ bảo dưỡng ở những khu vực ngoài vùng ảnh hưởng của thuế quan Mỹ – nơi các xưởng MRO có thể đưa ra mức giá hấp dẫn hơn do không bị ảnh hưởng bởi các chi phí thuế bổ sung.

Điều này được dự báo sẽ thúc đẩy doanh thu mảng MRO tại châu Á và châu Âu. Bên cạnh đó, các quốc gia láng giềng như Canada và Mexico – vốn gần với các trung tâm hàng không lớn của Mỹ – nhiều khả năng sẽ đón nhận lượng khách hàng tăng mạnh từ phía Mỹ tìm kiếm dịch vụ bảo dưỡng giá rẻ, chỉ cách một chuyến bay ngắn.
Về lâu dài, các chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump có thể làm thay đổi sâu sắc cục diện cạnh tranh trong thị trường động cơ tuabin hàng không toàn cầu, làm suy yếu lợi thế chi phí của Mỹ cả trong lĩnh vực sản xuất động cơ lẫn dịch vụ bảo dưỡng thiết yếu.