Trong nước

Phê duyệt quy hoạch sân bay Phú Quốc, bước chuẩn bị chiến lược cho APEC 2027

Nguyệt Quỳnh 10/05/2025 06:58

Quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong định hướng phát triển hạ tầng cho "đảo ngọc". Với lượng hành khách tăng vượt dự báo và mạng lưới kết nối không ngừng mở rộng, sân bay Phú Quốc được định hướng trở thành trung tâm hàng không khu vực.

Ngày 9/5/2025, tại Phú Quốc, được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Lễ công bố Quy hoạch Cảng Hàng không Quốc tế (HKQT) Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển hạ tầng hàng không quốc gia, đồng thời chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) năm 2027 tại Phú Quốc.

Vận tải hành khách tăng trưởng vượt dự báo

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng cho biết Cảng HKQT Phú Quốc được đưa vào khai thác thương mại từ năm 2012 với quy mô sân bay cấp 4E, có khả năng tiếp nhận các loại tàu bay Code E như Boeing 747-400 và tương đương. Năm 2017-2018, nhà ga hành khách của Cảng được mở rộng đạt công suất 4 triệu hành khách/năm, sân đỗ đáp ứng khai thác 14 vị trí đỗ tàu bay.

27ct.jpg
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng khẳng định quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc là một phần trong chiến lược phát triển hệ thống cảng hàng không quốc gia, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của ngành hàng không Việt Nam. Ảnh: Trịnh Quốc Tuấn/Cục Hàng không Việt Nam.

Từ khi đưa vào khai thác thương mại đến nay, tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách tại Cảng HKQT Phú Quốc luôn đạt ở mức cao, vượt xa so với dự báo ban đầu và luôn nằm trong top đầu các cảng hàng không của cả nước. Cụ thể, theo quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc được duyệt tại Quyết định số 1608/QĐ-TTg ngày 10/11/2008, giai đoạn đến năm 2020 lượng hành khách tiếp nhận đạt 2,65 triệu hành khách/năm, định hướng đến năm 2030 lượng hành khách tiếp nhận đạt 7 triệu hành khách/năm.

Tuy nhiên thực tế khai thác năm 2019, Cảng HKQT Phú Quốc đã đón đến 3,7 triệu lượt khách thông qua cảng, vượt xa so với các chỉ tiêu công suất quy hoạch được duyệt. Năm 2020-2021, ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch COVID-19, sản lượng hành khách thông qua Cảng giảm xuống. Tuy nhiên, đến năm 2022 khi dịch đã cơ bản được kiểm soát, sản lượng hành khách thông qua Cảng đã tăng trưởng vượt bậc đạt 5,5 triệu hành khách/năm.

Trong năm 2024, TP Phú Quốc ghi nhận gần 6 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 7% so với năm trước và đạt hơn 170% kế hoạch đề ra. Trong đó, khách quốc tế gần 1 triệu lượt, tăng 73,4%, trong đó có một số đường bay mới lần đầu tiên tới "đảo ngọc". Hiện, hơn 20 hãng hàng không đang khai thác hơn 150 chuyến bay/tuần đến Phú Quốc, theo cả hình thức thường lệ và thuê chuyến (charter), kết nối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

"Để đảm bảo sự phát triển đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 427/QĐ-BXD (15/4/2025) phê duyệt quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050", ông Dũng thông tin.

Chuẩn bị hạ tầng phục vụ APEC 2027

Theo Cục trưởng Uông Việt Dũng, ngành hàng không dân dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Giai đoạn 2013-2019, thị trường vận chuyển tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm. Riêng năm 2024, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển 49,4 triệu lượt hành khách, trong đó sản lượng quốc tế tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa đạt 408.000 tấn, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm 2023.

28pq.jpg
Cục trưởng Uông Việt Dũng bàn giao hồ sơ quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc cho đại diện UBND tỉnh Kiên Giang, Quân chủng Phòng không - Không quân, ACV, VATM, Cảng vụ Hàng không miền Nam, cảng HKQT Phú Quốc. Ảnh: Trịnh Quốc Tuấn/Cục Hàng không Việt Nam.

Trong dài hạn, ngành hàng không sẽ tiếp tục phát triển, kéo theo nhu cầu nâng cấp hạ tầng. Việc quy hoạch và đầu tư nâng cấp Cảng HKQT Phú Quốc là điều kiện cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương và khu vực.

Tại cuộc họp chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2027, Thường trực Chính phủ xác định đây là nhiệm vụ chính trị quốc gia quan trọng. TP Phú Quốc không chỉ là nơi đăng cai tổ chức sự kiện mà còn cần phát triển bền vững để trở thành điểm đến đẳng cấp quốc tế.

Chính phủ giao UBND tỉnh Kiên Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, kêu gọi và lựa chọn hình thức đầu tư để nâng cấp hạ tầng phục vụ sự kiện, trong đó có Cảng HKQT Phú Quốc.

29.jpg
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Cảng vụ hàng không miền Nam ký Biên bản ghi nhớ thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất tại Cảng HKQT Phú Quốc. Ảnh: Trịnh Quốc Tuấn/Cục Hàng không Việt Nam.

Để triển khai hiệu quả quy hoạch, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp xác định ranh giới quy hoạch, quản lý sử dụng đất sân bay, đồng thời thực hiện thủ tục chuyển giao đất từ Cảng vụ Hàng không miền Nam về tỉnh quản lý.

Cảng vụ Hàng không miền Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác quản lý mốc giới và thủ tục pháp lý liên quan.

Quy hoạch vừa được phê duyệt là cơ sở quan trọng để tỉnh Kiên Giang triển khai các dự án đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng Cảng HKQT Phú Quốc. Qua đó không chỉ góp phần tổ chức thành công APEC 2027 mà còn thúc đẩy phát triển TP Phú Quốc thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng

Trước đó, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 427/QĐ-BXD ngày 15/4/2025 phê duyệt Quy hoạch Cảng HKQT Phú Quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cảng HKQT Phú Quốc được quy hoạch là sân bay dùng chung cho mục đích dân dụng và quân sự.

Trong giai đoạn 2021-2030, Cảng HKQT Phú Quốc được quy hoạch đạt cấp sân bay 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), đáp ứng công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm. Sân bay có thể khai thác các loại tàu bay như B747, B787, A350 và tương đương. Phương thức tiếp cận hạ cánh theo tiêu chuẩn CAT I đối với đầu 10 và CAT II đối với đầu 28 của đường cất hạ cánh.

Ở giai đoạn này, quy hoạch kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về hai phía, đạt kích thước 3.500 x 45 m. Đường cất hạ cánh số 2 có kích thước 3.300 x 45 m, cách tim đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Bắc khoảng 360 m. Bên cạnh đó, đường lăn song song hiện hữu được kéo dài về hai phía để đồng bộ với đường cất hạ cánh.

Đến năm 2030, quy hoạch xác định sân đỗ trước nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ hiện hữu, đáp ứng khoảng 30 vị trí đỗ máy bay, với khả năng mở rộng tại khu đất dự trữ phát triển sân đỗ.

Về nhà ga hành khách, tiếp tục duy trì khai thác nhà ga T1 hiện hữu với công suất khoảng 4 triệu hành khách/năm, đồng thời quy hoạch xây dựng nhà ga T2 về phía Đông nhà ga T1 hiện hữu, với công suất khoảng 6 triệu hành khách/năm. Ngoài ra, quy hoạch nhà khách VIP kết hợp khai thác hàng không chung tại khu vực phía Tây Nam của cảng.

Đối với nhà ga hàng hóa, sẽ mở rộng nhà ga hiện hữu, đáp ứng công suất khoảng 25.000 tấn hàng hóa/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng HKQT Phú Quốc được định hướng đạt công suất khoảng 18 triệu hành khách/năm và 50.000 tấn hàng hóa/năm.

Quy hoạch đường lăn song song cách tim đường cất hạ cánh số 2 về phía Bắc khoảng 180 m; hệ thống đường lăn nối và đường lăn thoát nhanh được đầu tư đồng bộ, kết nối giữa đường lăn song song với đường cất hạ cánh và sân đỗ. Giai đoạn này, sân đỗ tiếp tục được mở rộng, đáp ứng khoảng 45 vị trí đỗ máy bay.

Nhà ga hành khách T2 được định hướng mở rộng, đạt công suất khai thác khoảng 14 triệu hành khách/năm. Nhà ga hàng hóa cũng được mở rộng, đáp ứng công suất khoảng 50.000 tấn hàng hóa/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phê duyệt quy hoạch sân bay Phú Quốc, bước chuẩn bị chiến lược cho APEC 2027
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO