Sân bay bay quốc tế Changi (Singapore) tiếp tục giữ vị trí ngôi vương, châu Á có 6 sân bay đứng top đầu trong danh sách 10 sân bay tốt nhất thế giới 2025 của Skytrax.
Mới đây Skytrax công bố bảng xếp hạng 100 sân bay tốt nhất thế giới năm 2025. Tại lễ trao giải thưởng Skytrax World Airport Awards diễn ra tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) ngày 9/4, các sân bay châu Á "áp đảo" khi chiếm tới 6 vị trí dẫn đầu trong 10 sân bay tốt nhất thế giới 2025.
Trong 565 sân bay toàn thế giới tham gia cuộc bình chọn, sân bay Changi của Singapore đã giành lại ngôi vương từ sân bay Hamad (Doha, Qatar). Changi từng 12 lần được Skytrax bầu chọn là sân bay tốt nhất thế giới vào các năm 2000, 2006, 2010, 8 năm liên tiếp 2013-2020 và 2023 nhưng năm 2024 lại xếp sau Hamad.
Sân bay Changi của Singapore lần thứ 13 được vinh danh là sân bay tốt nhất thế giới, nhờ sự nâng cấp liên tục để mang tới cho du khách nhiều hoạt động giải trí, biến nơi đây thành điểm du lịch thực thụ.
Theo CNN, Changi biến việc "giết thời gian" tại sân bay thành một trải nghiệm đáng nhớ. Hành khách có thể gửi hành lý trước tới 48 tiếng, thoải mái khám phá trung tâm thương mại Jewel, nơi có thác nước trong nhà cao nhất thế giới Rain Vortex 40 m và thu hút hơn 80 triệu lượt khách trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Changi cũng có khách sạn, spa, rạp chiếu phim, bảo tàng, các triển lãm nghệ thuật và công viên khủng long. Tại lễ trao giải Skytrax, Changi còn giành thêm 3 giải thưởng phụ "Sân bay có ẩm thực tốt nhất", "Nhà vệ sinh tốt nhất" và "Sân bay tốt nhất châu Á". Singapore dự kiến chi hơn 2 tỷ USD trong 6 năm tới để nâng cấp hạ tầng và dịch vụ tại Changi.
Xếp ở vị trí thứ hai là sân bay quốc tế Hamad, Qatar - trung tâm trung chuyển của Trung Đông, nổi bật với thiết kế hiện đại và được ví như phòng trưng bày nghệ thuật. Hamad cũng nhận thêm giải "Sân bay có khu mua sắm tốt nhất" và "Sân bay tốt nhất Trung Đông".
Hamad tiến bộ qua từng năm, từ hạng 4 năm 2019 lên hạng 3 năm 2020 rồi quán quân năm 2021, 2022 và 2024. Hamad cũng được đánh giá là đối thủ lớn nhất của Changi.
Tăng 1 bậc so với bảng xếp hạng 10 sân bay tốt nhất thế giới năm 2024 của Skytrax, sân bay quốc tế Haneda (Tokyo, Nhật Bản) nằm ở vị trí thứ 3. Tokyo Haneda cũng được gọi tên ở giải sân bay sạch nhất thế giới.
Đây là 1 trong 2 sân bay chính phục vụ cho khu vực Greater Tokyo - một trong những khu vực đông dân nhất thế giới. Hiện, sân bay là trụ sở chính của 2 hãng hàng không nội địa là Japan Airlines và All Nippon Airways.
Sở hữu vị trí chiến lược quan trọng, sân bay Haneda là cửa ngõ chính yếu, kết nối thủ đô Tokyo của Nhật Bản với hàng trăm điểm đến thuộc hàng chục quốc gia trên toàn thế giới.
Sân bay quốc tế Incheon là một trong số nhiều sân bay trên thế giới đang sử dụng công nghệ thông minh để thay đổi cách mọi người sử dụng dịch vụ hàng không. Từ việc làm thủ tục check-in bằng nhận diện khuôn mặt cho đến sử dụng robot dịch vụ.
Với diện tích lên tới hơn 50 ha, sân bay Incheon hiện tại bao gồm một sân golf, cùng chuỗi khách sạn với dịch vụ spa, phòng nghỉ cá nhân, sòng bạc và các khu vườn trong nhà ga. Bên cạnh đó là những khu mua sắm, giải trí, khu vực ăn uống rộng lớn, thậm chí cả một Bảo tàng văn hóa Hàn Quốc.
Sân bay quốc tế Incheon cũng được trao giải "Nhân viên sân bay tốt nhất thế giới" năm 2025 theo xếp hạng của Skytrax.
Vẫn giữ vị trí không thay đổi trong bảng xếp hạng của Skytrax so với năm 2024 (xếp thứ 5), sân bay quốc tế Tokyo Narita là một trong những sân bay có năng lực phục vụ lớn nhất tại Nhật Bản. Sân bay này được xem là cầu nối giao thông quan trọng kết nối Nhật Bản với các nước ở châu Á và châu Mỹ.
Nhà ga sân bay Tokyo Narita có đầy đủ các khu vực dịch vụ ăn uống, mua sắm và nhiều tiện ích khác đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Trong bảng xếp hạng top 10 sân bay tốt nhất giới năm 2025, sân bay quốc tế Hong Kong đã tăng 5 bậc so với năm 2024 (xếp thứ 11), đứng ở vị thứ 6 và cũng giành được giải thưởng "Sân bay nhập cảnh tốt nhất thế giới".
Đây là sân bay có lượng khách phục vụ đứng thứ 5 và lượng hàng hóa đứng đầu trong 18 năm liên tiếp. Theo định hướng phát triển tổng thể của Hong Kong đến năm 2030, sân bay quốc tế Hong Kong sẽ được cải tạo, dự kiến có thể phục hơn khoảng 30 triệu khách mỗi năm.
Sân bay Hong Kong là lãnh địa của hãng hàng không Cathay Pacific, được thiết kế giống như một đài ngắm cảnh, khu vui chơi hơn là một nhà ga hành khách. Hành khách có thể quên thời gian ở đây vì có nhiều hoạt động để khám phá.
Sân bay Charles de Gaulle là sân bay quốc tế lớn nhất nước Pháp, đồng thời là một trong những trung tâm hàng không chính của thế giới. Nằm cách thủ đô Paris 25 km về phía đông bắc, sân bay tọa lạc trên phần đất có diện tích 32,38 km2, đóng vai trò là trạm trung chuyển chính của hãng hàng không Air France và là trạm trung chuyển châu Âu của Delta Air Lines.
Tại vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng của Skytrax, sân bay quốc tế Charles de Gaulle còn được vinh danh là "Sân bay tốt nhất châu Âu" năm thứ ba liên tiếp.
Sân bay quốc tế Fiumicino (Leonardo da Vinci Rome) là sân bay bận rộn nhất Italy, thứ 8 ở châu Âu và thứ 36 trên thế giới với hơn 49,2 triệu hành khách được phục vụ vào năm 2024.
Fiumicino là trung tâm chính của ITA Airways - hãng hàng không quốc gia của Italy và là hãng hàng không lớn nhất nước này.
Đứng ở vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng sân bay tốt nhất thế giới năm 2025 của Skytrax, sân bay quốc tế Munich (Đức) còn giành giải thưởng "Sân bay tốt nhất ở Trung Âu", "Khách sạn sân bay tốt nhất châu Âu" (khách sạn Hilton Munich).
Năm 2024, sân bay Munich phục vụ khoảng 41,6 triệu khách, tăng 4,5 triệu khách so với năm 2023. Số lượt cất cánh và hạ cánh tăng 8% với hơn 327.000 chuyến bay. Bên cạnh đó, hệ số lấp đầy đạt mức kỷ lục mới là 82%. Khối lượng vận tải hàng không tại sân bay này cũng tăng 11% lên khoảng 308.000 tấn.
Munich trở thành sân bay phát triển nhanh nhất ở Đức vào năm 2024.
Sân bay Zurich được xếp hạng thứ 10 trong danh sách top 100 sân bay tốt nhất thế giới năm 2025, theo đánh giá từ khảo sát hành khách toàn cầu của Skytrax. Ngoài ra, sân bay này còn được vinh danh là sân bay tốt nhất thế giới trong nhóm phục vụ 20-30 triệu hành khách/năm.
Zurich là trung tâm hoạt động của hãng hàng không Swiss International Air Lines và phục vụ nhiều hãng hàng không quốc tế khác như Qatar Airways, Turkish Airlines, Cathay Pacific, Emirates, Thai Airways, British Airways, American Airlines, Air Canada, China Airlines, Virgin Atlantic Airways,...
Giải thưởng Skytrax là danh hiệu uy tín toàn cầu trong lĩnh vực hàng không, do tổ chức tư vấn vận tải hàng không Skytrax (Anh) thực hiện thường niên. Kết quả dựa trên khảo sát trải nghiệm của hàng triệu hành khách đến từ hơn 100 quốc gia, thực hiện tại hơn 500 sân bay trên thế giới trong một năm.
Các tiêu chí đánh giá bao gồm chất lượng dịch vụ khách hàng, vệ sinh, tiện nghi, thời gian làm thủ tục, ẩm thực, quy trình an ninh và xuất nhập cảnh, trải nghiệm mua sắm, đội ngũ nhân viên.
Được ví như "Oscar của ngành hàng không", giải thưởng Skytrax được xem là chuẩn mực vàng để so sánh và vinh danh các sân bay, hãng hàng không có chất lượng phục vụ xuất sắc trên thế giới. Ngoài giải thưởng World Airport Awards vừa công bố, Skytrax sẽ công bố thêm một giải thưởng World Airline Awards vào tháng 6 hàng năm để vinh danh các hãng bay xuất sắc.
Cảng Hàng không Quốc tế (Cảng HKQT) Nội Bài và Cảng HKQT Đà Nẵng thuộc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lọt top 100 sân bay tốt nhất thế giới năm 2025.
Cụ thể, Cảng HKQT Nội Bài đã vươn lên vị trí thứ 79, tăng 17 bậc so với vị trí thứ 96 năm 2024. Đây là lần thứ 7 sân bay Nội Bài được vinh danh trong bảng xếp hạng danh giá của Skytrax.
Đối với Cảng HKQT Đà Nẵng, đây là lần thứ 2 liên tiếp sân bay này được vinh danh trong top 100 sân bay tốt nhất thế giới do Skytrax công bố. Năm 2025, sân bay này xếp hạng với vị trí thứ 84, tăng 10 bậc so với năm 2024.