Tàu khách

Lấy ý kiến sửa quy định để đưa máy bay Trung Quốc COMAC vào khai thác

Khánh Nguyên 08/04/2025 07:16

Bộ Xây dựng cho biết việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016 là cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam chủ động nguồn cung về tàu bay, chủ động hoạt động khai thác tàu bay.

Liên quan đến việc chỉnh sửa, bổ sung các quy định để có thể đưa máy bay COMAC do Trung Quốc sản xuất vào khai thác tại Việt Nam, Bộ Xây dựng vừa có công văn lấy ý kiến các bộ ngành liên quan về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 92/2016/NĐ-CP của Chính phủ về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn để có hiệu lực ngay khi ban hành.

C909 COMAC của Hãng hàng không Chengdu Airlines. Ảnh: Shutterstock.
Chiếc C909 COMAC của Hãng hàng không Chengdu Airlines. Ảnh: Shutterstock.

Nghị định 92/2016/NĐ-CP hiện quy định, các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ loại tàu bay".

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, quy định trên được sửa thành: "Các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được nhà chức trách Hàng không liên bang Hoa Kỳ, Cơ quan An toàn hàng không châu Âu, nhà chức trách hàng không Trung Quốc, nhà chức trách hàng không Brazil, nhà chức trách hàng không Canada, nhà chức trách hàng không Liên bang Nga, nhà chức trách hàng không Vương quốc Anh cấp hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp hoặc công nhận giấy chứng nhận loại tàu bay".

Theo Bộ Xây dựng, hiện nay các quy định pháp lý chưa cho phép các máy bay của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam do quy định chỉ cho phép nhập khẩu các máy bay được Cục Hàng không liên bang Mỹ, hoặc Cơ quan An toàn hàng không châu Âu, hoặc nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp chứng nhận loại tàu bay.

Trường hợp Cục Hàng không Việt Nam (nhà chức trách hàng không) cấp chứng nhận loại chỉ được thực hiện khi Việt Nam là quốc gia thiết kế và Cục Hàng không Việt Nam xây dựng ban hành các tiêu chuẩn, có đầy đủ nguồn nhân lực có trình độ để đảm bảo thực hiện quá trình phê chuẩn giấy chứng nhận loại.

Thời gian để xây dựng tiêu chuẩn, hoàn thiện quy trình và chuẩn bị đầy đủ nhân lực mất rất nhiều năm (FAA cần 8 năm để cấp giấy chứng nhận loại với máy bay Boeing 787, EASA cần 8 năm để cấp chứng nhận loại với máy bay Airbus A350).

Theo Bộ Xây dựng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chiến sự tại một số khu vực trên thế giới, một số vấn đề kỹ thuật của các tàu bay trên thế giới đã ảnh hưởng đến dây chuyền cung cấp máy bay, vật tư đầy đủ, kịp thời từ các nhà sản xuất máy bay Airbus, Boeing.

Cùng với đó, ảnh hưởng của nguồn cung các tàu bay phản lực vùng tầm ngắn cũng gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động khai thác tàu bay của Việt Nam trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường hàng không nói riêng và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Cận cảnh chiếc C909 của COMAC. Tính đến 5/1/2025, đã có 160 tàu bay C909 của COMAC được cung cấp đến tổng cộng 12 hãng hàng không. Ảnh tư liệu.
Cận cảnh chiếc C909 của COMAC. Tính đến 5/1/2025, đã có 160 tàu bay C909 của COMAC được cung cấp đến tổng cộng 12 hãng hàng không. Ảnh tư liệu.

Do vậy, việc giới hạn cho phép các máy bay khai thác tại Việt Nam chỉ có giấy chứng nhận loại do Cục Hàng không Việt Nam cấp hoặc FAA hoặc EASA cấp, mà không cho phép máy bay có giấy chứng nhận loại từ các quốc gia khác cấp hoặc cho phép máy bay do Cục Hàng không Việt Nam công nhận, sẽ làm hạn chế cơ hội của các hãng hàng không trong việc tiếp cận các loại máy bay được thiết kế, chế tạo bởi các quốc gia khác có năng lực toàn cầu về khoa học và công nghệ.

Trên cơ sở nhu cầu thực tiễn của hoạt động hàng không, công tác đảm bảo an toàn hàng không, Bộ Xây dựng cho rằng việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2016 là cần thiết.

Điều này nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam chủ động nguồn cung về tàu bay, chủ động hoạt động khai thác tàu bay. Qua đó, tăng cường nâng cao hợp tác hữu nghị quốc tế với các đối tác truyền thống.

Trước đó, từ ngày 15 đến ngày 24/1/2025, Cục Hàng không Việt Nam đã cử đoàn công tác làm việc trực tiếp với Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) và Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc tại Thượng Hải - Trung Quốc.

Đoàn công tác thực hiện khảo sát, tìm hiểu tổng quan về kỹ thuật, khai thác, bảo dưỡng và các tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo, thử nghiệm và quy trình cấp giấy chứng nhận loại tàu bay ARJ21- 700 (C909).

Theo Cục Hàng không Việt Nam, tính đến ngày 5/1/2025, có 160 tàu bay C909 đã được cung cấp đến tổng cộng 12 hãng hàng không, trong đó có 11 hãng hàng không của Trung Quốc và một hãng hàng không của Indonesia.

Những chiếc máy bay này đã chuyên chở tổng cộng hơn 19,16 triệu hành khách trên tổng cộng 633 đường bay tới 158 thành phố, 181 sân bay. Số giờ bay tích lũy tổng cộng đến đầu tháng 1/2025 là hơn 550.000 giờ bay và hơn 330.000 lượt cất hạ cánh.

Qua dữ liệu báo cáo của COMAC, không có tai nạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra với tàu bay C909 kể từ khi tàu bay này đi vào hoạt động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lấy ý kiến sửa quy định để đưa máy bay Trung Quốc COMAC vào khai thác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO