UBND tỉnh Kiên Giang vừa gửi công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá để nâng cao năng lực tiếp nhận máy bay lớn hơn.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, Cảng hàng không Rạch Giá được xây dựng từ năm 1979 có đường cất hạ cánh dài 1.170m và rộng 30m.
Năm 2007, Cảng hàng không Rạch Giá được nâng cấp đường cất hạ cánh dài 1.500m để đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay ATR72 và tương đương để có năng suất thiết kế là 200.000 hành khách/năm.
Cảng hàng không Rạch Giá hiện nay có hạ tầng rất hạn chế, chỉ đạt cấp 3C, đường cất/hạ cánh dài 1.500m, rộng 30m, kết cấu bằng bê tông nhựa được nâng cấp từ năm 2007, chỉ tiếp nhận được loại máy bay code C như ATR72 và tương đương trở xuống.
Cảng không đáp ứng được nhu cầu khai thác các tuyến đường bay dài, đặc biệt để đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế, du lịch và giao thương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với các vùng miền trong cả nước.
Thêm vào đó, sau khi hợp nhất tỉnh Kiên Giang và tỉnh An Giang thành tỉnh An Giang mới, trong đó tỉnh lỵ mới sẽ đặt tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang; với diện tích trên 9.888km2, tỉnh An Giang mới có diện tích lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long.
Chính vì vậy, việc đầu tư nâng cấp và mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá đạt tiêu chuẩn Cảng hàng không cấp 4C (có thể phát triển thành Cảng hàng không cấp 4E trong tương lai) và đạt sân bay quân sự cấp II sẽ góp phần nâng cao năng lực tiếp nhận máy bay lớn hơn, mở các tuyến đường bay đến các tỉnh thành là rất cần thiết.
Mặt khác Cảng hàng không Rạch Giá cũng là sân bay dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc phục vụ cho tuần lễ Cấp cao APEC trong năm 2027 nên cần sớm hoàn thành việc nâng cấp vào đầu năm 2027.