Kinh doanh

Không có chuyến bay quốc tế thường lệ, nhiều cảng hàng không loay hoay tìm cách phát triển

Nam Bình 16/07/2025 06:48

Nhiều năm liền không phát triển được mạng lưới đường bay quốc tế thường lệ, một số cảng hàng không quốc tế đang loay hoay tìm cách thu hút hãng mở đường bay đến.

Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn được World Travel Awards trao hai giải thưởng

Bên cạnh nhiệm vụ thực hiện vai trò của cảng hàng không dự bị, việc chưa đạt hiệu suất vận hành tối đa trong khai thác tại các cảng hảng không quốc tế như Cần Thơ, Vân Đồn hay Phú Bài cũng đặt ra câu hỏi về định hướng phát triển cho các sân bay này trong tương lai.

Những cảng hàng không “plan B”…

Dù là cảng hàng không quốc tế nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, Cần Thơ, Phú Bài hầu như không đón được chuyến bay nào, hoặc chỉ rất ít, chỉ 4 lượt cất hạ cánh như ở Vân Đồn. Điều này đặt ra câu hỏi vì sao những sân bay này được đầu tư hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhưng hoạt động không hiệu quả?

Về mặt kỹ thuật, để được xếp loại “quốc tế”, một sân bay phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về đường cất hạ cánh, hệ thống chiếu sáng, thủ tục nhập cảnh, hải quan, an ninh hàng không… Việc duy trì các điều kiện này không chỉ nhằm phục vụ các chuyến bay thường lệ, mà còn bảo đảm khả năng hoạt động trong tình huống cần chuyển hướng từ sân bay chính.

Lãnh đạo TP Cần Thơ chụp ảnh lưu niệm với tổ bay của AirAsia trong chuyến bay quốc tế đầu tiên của hãng khai thác tại Cần Thơ thời điểm 2019.
Lãnh đạo TP Cần Thơ chụp ảnh lưu niệm với tổ bay của AirAsia trong chuyến bay quốc tế đầu tiên của hãng khai thác tại Cần Thơ thời điểm 2019.

Cụ thể, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ có nhà ga hành khách với tổng diện tích sàn 20.750m2, phục vụ 3 - 5 triệu khách/năm, đường hạ cất cánh đạt tổng chiều dài 3000m, có hệ thống đèn đêm, hệ thống hạ cánh chính xác ILS để tiếp thu các loại máy bay hạng nặng như B777-300ER, B747-400 và tương đương.

Còn với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, là cảng hàng không đầu tiên do tư nhân đầu tư tại Việt Nam. Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Sân bay có cơ sở vật chất hiện đại với đường băng dài 3,6 km, rộng 45 m đủ điều kiện cất hạ cánh các máy bay tiên tiến nhất thế giới như Boeing 787.

Cùng với đó, khu vực sân đỗ của cảng hàng không này có 7 vị trí đỗ, gồm 3 vị trí bãi đỗ xa và 4 vị trí bãi đỗ gần. Nhà ga cũng được đầu tư bài bản với công suất 2,5 triệu hành khách/năm và khu xử lý hàng hóa công suất 10.000 tấn/năm.

Dù thiếu vắng chuyến bay quốc tế, những sân bay như Cần Thơ, Vân Đồn hay Phú Bài vẫn giữ một vai trò không thể thay thế: đó là các sân bay quốc tế dự bị, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp, thiên tai, hoặc khi các sân bay trung tâm rơi vào tình trạng quá tải, bị đóng cửa hoặc cần chuyển hướng điều hành tạm thời.

Với vị trí địa lý trải đều theo trục Bắc – Trung – Nam, những sân bay này có thể đóng vai trò “phân tán” lưu lượng bay, giảm áp lực cho các trung tâm lớn như Nội Bài hay Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, cùng với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh ở phía Bắc, Cần Thơ là sân bay dự bị ở phía Nam cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), thay vì phải bay sang Phnom Penh (Campuchia) hoặc Bangkok (Thái Lan) trong những trường hợp khẩn cấp.

Van Don
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chủ yếu đón các chuyến bay quốc tế charter, phục vụ khách du lịch. Ảnh minh họa: Đỗ Phương.

Tương tự, dù lượng khách hiện tại đến Vân Đồn chưa cao, đây cũng là sân bay dự bị cho các hãng hàng không khi tổ chức đường bay kết nối đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hay Đà Nẵng thay vì phải bay sang Sân bay quốc tế Wattay (Vientian, Lào).

Ngoài ra, các sân bay như Liên Khương hay Phú Bài còn đóng vai trò hỗ trợ du lịch nội địa vùng cao nguyên và miền Trung. Dù chưa có chuyến bay quốc tế thường lệ, việc duy trì khả năng tiếp nhận quốc tế giúp các sân bay này sẵn sàng trong các dịp cao điểm lễ hội, sự kiện quốc tế, hoặc khi các hãng hàng không mở đường bay mới đột xuất.

… loay hoay tìm cách thoát “ế”

Thực tế trong ngành hàng không cho thấy, sự hiện diện và sẵn sàng của các sân bay dự bị là một tiêu chí quan trọng trong đánh giá năng lực điều phối quốc gia. ICAO và các cơ quan như FAA, EASA đều yêu cầu các hãng bay lập kế hoạch bay phải luôn chỉ định sân bay dự bị đủ tiêu chuẩn, kể cả khi sân bay đó không có chuyến bay thường xuyên.

Ở góc nhìn dài hạn, các sân bay quốc tế như Cần Thơ hay Vân Đồn vẫn là “đòn bẩy tiềm năng” trong chiến lược phát triển vùng, đặc biệt khi các xu hướng như hàng không giá rẻ, du lịch second-tier city (đô thị vệ tinh), hoặc phân tán khách du lịch khỏi các điểm quá tải như TP.HCM, Hà Nội ngày càng rõ nét.

Tuy vậy, trao đổi với Tạp chí Hàng không, nhiều chuyên gia cho rằng, việc các cảng hàng không quốc tế chỉ làm nhiệm vụ là sân bay dự bị mà không khai thác hết công suất thiết kế cũng là điều đáng tiếc cho kinh tế vùng và ngành hàng không Việt Nam.

Tại Cần Thơ, từ khi khánh thành, đưa vào sử dụng năm 2011 đến nay, đặc biệt từ sau dịch Covid – 19, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) nhiều lần yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu tổ chức hội thảo quảng bá du lịch, điểm đến Cần Thơ nhằm thu hút khách bay.

Tuy vậy, đến nay kết quả vẫn không như kỳ vọng. Sân bay quốc tế công suất 3 – 5 triệu khách này vẫn không có chuyến bay quốc tế nào và chỉ khai thác 6 – 7 đường bay nội địa.

Tại cuộc họp triển khai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 tổ chức hồi tuần trước, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu cũng cho rằng, việc thu hút khách du lịch góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói, từ đó, đóng góp vào tăng trưởng của địa phương.

Tuy nhiên, quan trọng là làm thế nào để các hãng thấy hấp dẫn thì mới mở đường bay đến với Cần Thơ. Vì nếu khai thác không hiệu quả thì các hãng hàng không cũng sẽ dừng các đường bay này.

Vì vậy, phải quan tâm đến lĩnh vực thu hút đầu tư và làm sản phẩm du lịch hấp dẫn thì nhiều người có nhu cầu đi lại, lúc đó các hãng tự mở đường bay trở lại.

Mr Lau

Nếu khai thác không hiệu quả, hãng hàng không cũng sẽ dừng các đường bay đến mà thôi!

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu

Còn theo ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, trước năm 2019, Cần Thơ có 32 đường bay nội địa và 6 đường bay quốc tế nhưng hiện nay, số đường bay đến sân bay quốc tế Cần Thơ đã giảm gần 70%, từ đó ảnh hưởng đến ngành du lịch. Giám đốc Sở Công Thương đề nghị phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu cho UBND thành phố làm việc với các hãng hàng không để kết nối, hỗ trợ.

Mặc dầu vậy, điểm sáng là một số cảng hàng không trong nước dù chưa phải là cảng hàng không quốc tế nhưng cũng đã thu hút được các hãng bay quốc tế đến. Điều này tạo điều kiện cho các sân bay tiếp tục Có thể kể đến như Cát Bi, Liên Khương hay Đồng Hới…

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, Cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng) thực hiện 92 lượt cất hạ cánh quốc tế, phục vụ 11.368 lượt hành khách. Cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng) cũng thực hiện 28 lượt cất hạ cánh quốc tế, phục vụ 3.151 hành khách đến với thành phố ngàn hoa Đà Lạt.

Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình), nơi có quần thể hang động Phong Nha – Kẽ Bàng nổi tiếng thế giới, cũng thực hiện 4 lượt cất hạ cánh quốc tế, phục vụ 323 lượt khách. Ngoài ra, một số hãng hàng không quốc tế cũng bắt đầu quan tâm đến các cảng hàng không khác như Phù Cát (tỉnh Gia Lai mới) hay Thọ Xuân (Thanh Hóa)…

“Sự phát triển của ngành du lịch với các điều kiện về lưu trú, vui chơi, tham quan tham trải nghiệm… phát triển tốt là điều kiện để các cảng hàng không Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều hãng bay quốc tế mở đường bay đến trong tương lai”, vị chuyên gia chia sẻ.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tổng thị trường khách quốc tế của hàng không Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay đạt mức hơn 22,7 triệu lượt. Trong đó, các hãng hàng không nước ngoài thực hiện vận chuyển gần 11,2 triệu lượt, còn lại, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện vận chuyển gần 9,6 triệu lượt, ít hơn khoảng 1,6 triệu lượt khách so với các hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam.

Nổi bật
Mới nhất
Không có chuyến bay quốc tế thường lệ, nhiều cảng hàng không loay hoay tìm cách phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO