Văn hóa

Khi đường vòng cũng là một đường bay

Quân Đình - Nam Bình 04/05/2025 09:13

Từng bỏ dở ngành học đầu tiên, hụt mất cơ hội trở thành phi công giữa đại dịch và phải gác lại giấc mơ vì biến cố gia đình, Nguyễn Quốc Cường vẫn không ngừng bước về phía trước bằng đam mê với ngành hàng không.

Ảnh 4

Ở tuổi U30, cậu sinh viên ngành Cử nhân Khoa học ứng dụng (Hàng không) tự tay viết lại lộ trình sự nghiệp bằng sự bình tĩnh, nghị lực và một niềm tin đơn giản: mỗi người có nhịp độ riêng.

Những lần cất cánh “hụt” và cú sốc đầu đời

Không giống một sinh viên đại học thông thường, hành trình học vấn của Nguyễn Quốc Cường bắt đầu từ cách đây hơn một thập kỷ, khi cậu đăng ký vào ngành Kỹ thuật Viễn thông Hàng không vào năm 2014.

Thế nhưng, chọn sai ngành khiến những ngày tháng đại học đầu tiên của Cường nhanh chóng chìm vào bế tắc.

Đến năm 2019, khi đang làm nhân viên phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất, Cường tình cờ biết đến một chương trình đào tạo phi công. Đây là một suất học danh giá có giá trị tương đương 2,8 tỷ đồng, kèm cam kết việc làm sau khi hoàn tất đào tạo.

Ảnh 2
Nguyễn Quốc Cường (chính giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng giảng viên và người thân sau lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC.

Không kỳ vọng nhiều, cậu vẫn thử sức mình, trải qua những vòng thi khắc nghiệt từ kiểm tra khả năng thích nghi (Adaptive test), tiếng Anh chuyên ngành, đến phỏng vấn trực tiếp. Và rồi, bất ngờ, Cường đậu.

“Lần đầu tiên trong đời, mình có một mục tiêu rõ ràng, cụ thể!", Cường nhớ lại. “Khi nhận được tin trúng tuyển, mình như tỉnh lại sau thời gian dài mơ hồ. Lần đầu tiên mình cảm nhận được sự quyết tâm mạnh mẽ: Phải học thật giỏi, phải nỗ lực hết sức để trở thành một phi công chuyên nghiệp”.

Cường lập tức bắt đầu hành trình học nghiêm túc với việc chuẩn bị kỹ năng tiếng Anh hàng không, kiến thức kỹ thuật cơ bản về máy bay và các lớp học tiền đề để sẵn sàng lên đường sang Mỹ.

Thế nhưng, ngay lúc mọi thứ tưởng như đã ổn định và tương lai đang rộng mở, đại dịch COVID-19 bất ngờ bùng phát vào đầu năm 2020.

Giấc mơ lớn đầu tiên trong đời đã tan biến nhanh chóng. Nhưng cũng từ đó, Cường hiểu rằng dù không thể kiểm soát được hoàn cảnh, mình luôn có quyền chọn cách đối diện và bước tiếp.

Bay lên rồi phải hạ cánh giữa chừng

Đầu năm 2021, Cường đăng ký học ba môn đầu tiên trong chương trình Associate Degree in Aviation (Professional Pilots) của RMIT Australia, tạm thời học tại RMIT Việt Nam.

Lần đầu tiên trong đời, cậu cảm nhận rõ niềm vui khi học không phải vì áp lực điểm số, mà vì tìm được mục tiêu và ý nghĩa phía sau từng bài giảng.

Cũng nhờ vậy, tư duy và thái độ học tập của Cường dần thay đổi. Cậu bắt đầu chủ động hơn trong mỗi bài giảng, dành thời gian nghiên cứu sâu hơn, không chỉ để đạt điểm cao, mà vì thực sự muốn nắm bắt kiến thức chuyên môn.

Giữa năm 2021, khi tình hình dịch vẫn không khả quan hơn, kế hoạch du học Úc của Cường liên tục bị trì hoãn. Thay vì buông xuôi, Cường quyết định chính thức chuyển sang học chương trình Cử nhân Khoa học ứng dụng (hàng không) tại Việt Nam, một lựa chọn thực tế và phù hợp với hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ.

Lại một lần nữa, cậu rẽ hướng, nhưng lần này, cậu biết rõ mình đang đi đâu. Ngành hàng không vẫn là niềm đam mê, chỉ là thay vì ngồi trong buồng lái, Cường bắt đầu tiếp cận nó từ góc nhìn quản trị và vận hành.

Ảnh 3
Cường trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp, nơi những kiến thức từ giảng đường và trải nghiệm khởi nghiệp được kết nối để tạo nên giải pháp thực tế cho ngành hàng không. Ảnh: NVCC.

“Trước đây mình từng nghĩ làm hàng không có nghĩa là phải làm phi công hay kỹ sư, nhưng khi vào chương trình quản trị, mình mới thấy rằng một chuyến bay thành công là kết quả của cả một hệ thống khổng lồ phía sau: từ vận hành, quản lý nhân sự, an toàn, chuỗi cung ứng, đến chiến lược kinh doanh và phân tích dữ liệu vận hành. Càng học, mình càng bị hấp dẫn!”, Cường nói.

Từ một cậu sinh viên từng bế tắc khi phải “hạ cánh” giữa chừng, giờ đây, Nguyễn Quốc Cường tự tin hơn với một hướng đi thực tế, ổn định, và có khả năng phát triển lâu dài.

Với Cường, chuyến bay quan trọng nhất không còn là giấc mơ phi công chưa thành, mà là chuyến bay của sự trưởng thành, của khả năng thích nghi và tìm lại chính mình từ những lần buộc phải thay đổi hướng đi.

Tìm thấy “bầu trời” trên mặt đất

Cuối năm 2022, cuộc sống của Cường lần nữa bị đảo lộn khi mẹ cậu phát hiện mắc ung thư. Gia đình, vốn đã gặp nhiều thử thách, nay hoàn toàn mất khả năng hỗ trợ cậu theo đuổi con đường phi công, ước mơ vốn cần thêm vài tỷ đồng nữa mới có thể chạm tới.

Đối mặt với cú sốc lớn này, Cường bình tĩnh chấp nhận việc phải từ bỏ hoàn toàn giấc mơ bay, dồn toàn bộ tâm sức vào chương trình cử nhân mà cậu đang theo học. Đồng thời, khởi động một dự án dạy tiếng Anh nhỏ để có thêm chi phí trang trải cuộc sống.

Ảnh 4
Khoảnh khắc thân tình giữa Cường và thầy Alberto Bernabeo, một trong những người truyền cảm hứng học tập và định hình tư duy hàng không hiện đại cho cậu. Ảnh: NVCC.

Dù lịch trình kín mít từ sáng đến tối, Cường vẫn duy trì điểm trung bình ổn định ở mức cao (khoảng 3,5 trên thang điểm 4,0), đồng thời luôn nhận được sự đánh giá tích cực từ giảng viên nhờ tinh thần trách nhiệm và thái độ nghiêm túc hiếm thấy.

Nhìn về tương lai, Cường không tự bó hẹp mình vào một lựa chọn duy nhất. Cậu mong muốn phát triển start-up giáo dục thành một doanh nghiệp bài bản, có thể tạo thêm nhiều giá trị cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, cậu cũng xác định sẽ tiếp tục gắn bó với ngành hàng không, không phải ở vị trí phi công mà sẽ là từ góc độ quản trị, đào tạo nhân lực hoặc tư vấn chiến lược.

“Mình vẫn yêu ngành này lắm! Dù không được ngồi trong buồng lái, mình vẫn muốn góp sức giúp nó vận hành hiệu quả hơn”, Cường tâm sự.

Giờ đây, khi nhìn lại toàn bộ hành trình “đi vòng” của mình, Cường không còn cảm giác mình đã mất thời gian. Thay vào đó, cậu trân trọng từng thất bại, từng khúc quanh, từng lần phải làm lại. Nhờ tất cả những trải nghiệm ấy, cậu trưởng thành hơn, hiểu rõ bản thân và tự tin hơn trên con đường sắp tới.

"Đi vòng không có nghĩa là mất phương hướng. Mình nhận ra rằng khi thật sự biết bản thân muốn gì thì dù đi nhanh hay chậm cũng đều xứng đáng”, Cường nói.

Nổi bật
Mới nhất
Khi đường vòng cũng là một đường bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO