Một khách hàng chưa công bố danh tính vừa đặt mua tới 120 chiếc máy bay phản lực Challenger và Global, với tổng giá trị lên tới 4 tỷ USD.
Không phô trương, không lễ ký kết rình rang, không thông cáo từ phía khách hàng, chỉ một dòng thông báo ngắn gọn từ Bombardier vào cuối ngày hôm qua, 1/7, đã khiến giới quan sát trong ngành hàng không doanh nhân sững sờ.
Theo đó, một khách hàng giấu tên đã sẵn sàng chi 4 tỷ USD để đặt mua tới 120 chiếc máy bay phản lực Challenger và Global. Đây là một trong những thương vụ lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử hãng này.
Đơn hàng lớn khó ngó lơ, khách mua ẩn danh
Theo thông báo từ Bombardier, thương vụ này bao gồm 50 đơn hàng chắc chắn, cộng với tùy chọn mua thêm 70 chiếc, và đi kèm một gói dịch vụ bảo trì tích hợp cho toàn bộ đội bay.
Thời gian giao hàng dự kiến bắt đầu từ năm 2027, giá trị phần đơn hàng chắc chắn cộng với hợp đồng dịch vụ đã lên tới 1,7 tỷ USD.
Thế nhưng, điều khiến thị trường đặc biệt chú ý không chỉ là con số, mà chính là sự im lặng bất thường từ phía khách hàng. Không tên tuổi, không khu vực hoạt động, không tiết lộ mô hình kinh doanh.
Khách hàng đang chuẩn bị công bố một dịch vụ hoàn toàn mới
Thông báo từ Bombardier
Cuộc cách mạng trong mô hình vận hành chuyên cơ?
Sự im lặng ấy đặt ra hàng loạt giả thuyết. Với quy mô lên tới 120 máy bay bao gồm cả các dòng phản lực tầm trung (Challenger 3500, 650) và tầm xa (Global 5500, 6500, 8000), đây rõ ràng không phải là khách hàng tư nhân hay một tập đoàn đơn lẻ mua máy bay cho nhu cầu di chuyển thông thường.
Những gì đang hình thành có thể là một hãng chuyên cơ charter toàn cầu chuẩn bị ra mắt.
Một startup công nghệ hàng không với mô hình "chuyên cơ theo yêu cầu", hoặc một tập đoàn dịch vụ bay kiểu NetJets phiên bản mới, với chiến lược vận hành riêng biệt và tích hợp sâu chuỗi dịch vụ.
Dù là gì, thì sự kiện này đánh dấu một tín hiệu rõ ràng: thị trường máy bay thương gia – từng bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch – đang phục hồi mạnh mẽ, và có thể đang bước vào một giai đoạn tái định hình quy mô lớn.
Bombardier: Chơi tất tay với chiến lược tích hợp sản phẩm, dịch vụ
Về phía mình, Bombardier rõ ràng đang đặt cược vào triết lý “bán máy bay không chỉ là bán máy bay”.
Với hợp đồng dịch vụ bảo trì đi kèm toàn đội bay, thường kéo dài hàng chục năm và trị giá hàng trăm triệu USD, hãng không chỉ bán phương tiện bay, mà còn bán sự an tâm, tính liên tục và hậu cần kỹ thuật đồng hành.
Đơn hàng quy mô này phản ánh chính xác điều tạo nên lợi thế cạnh tranh của chúng tôi – đó là khả năng phục vụ trọn vòng đời máy bay, từ thiết kế đến khi bàn giao, và xuyên suốt trong vận hành
Ông Éric Martel, Chủ tịch kiêm CEO của Bombardier
Không tiết lộ chi tiết về tỷ lệ giữa Challenger và Global, nhưng việc mở rộng đến cả hai dòng cho thấy khách hàng cần một đội bay đa năng: vừa phục vụ các chặng trung bình trong khu vực, vừa đủ năng lực cho các hành trình xuyên đại dương.
Điều gì đang ẩn sau bức màn 4 tỷ USD này?
Trong giới phân tích, nhiều đồn đoán đang được đặt ra. Một số nhận định cho rằng đây có thể là sự trỗi dậy của một tập đoàn Trung Đông muốn mở dịch vụ charter toàn cầu, cạnh tranh trực tiếp với VistaJet hay Flexjet.
Một số khác lại hướng về châu Á, nơi các công ty công nghệ đang lấn sân vào thị trường hàng không cao cấp.
Dù danh tính vẫn là điều bí ẩn, rõ ràng thương vụ này không phải một cú mua ngẫu hứng, mà là một mắt xích trong chiến lược dài hạn, với đội bay quy mô công nghiệp, dịch vụ hậu mãi khép kín và một mô hình hoạt động chưa từng công bố.
Thị trường hàng không doanh nhân: Bình cũ, rượu mới?
Sự phục hồi của ngành hàng không doanh nhân sau COVID-19 đang diễn ra với nhiều điểm bất ngờ.
Thay vì quay lại với mô hình truyền thống, nơi các cá nhân siêu giàu sở hữu máy bay riêng, thị trường đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh từ các mô hình dùng chung, thuê chuyến linh hoạt, chia sẻ quyền sở hữu, hay thậm chí là đặt chuyến theo ứng dụng.
Nếu thương vụ với khách hàng bí ẩn này thực sự là bước khởi đầu cho một mô hình như vậy, thì đây có thể là thời khắc mở màn cho làn sóng thay đổi toàn diện thị trường chuyên cơ toàn cầu.
Theo các chuyên gia, đây vốn là một thị trường vốn kín tiếng, nhưng đầy sức nóng về tài chính, công nghệ và dịch vụ siêu cá nhân hóa.
4 tỷ USD không chỉ là con số, mà là tuyên ngôn đầu tiên cho một cuộc chơi mới. Và cho đến khi nhân vật chính lộ diện, mọi ánh mắt trong ngành vẫn sẽ hướng về Bombardier, nơi vừa bán được đội bay hạng sang… cho một cái tên chưa từng biết đến.