Trước nhu cầu vận tải ngày càng tăng, sự kết hợp giữa hàng không và đường sắt cao tốc đang trở thành xu hướng phát triển mới. Mô hình này giúp tối ưu hành trình, giảm tải hạ tầng, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Với hành trình dưới 2h, đường sắt cao tốc chiếm ưu thế nhờ chi phí hợp lý và sự tiện lợi. Trong khi đó, các chuyến bay dài trên 5h vẫn là lựa chọn hàng đầu. Nhưng ở khoảng cách từ 2h đến 5h, cuộc đua trở nên khốc liệt: hàng không nỗ lực đổi mới, còn đường sắt tăng tốc mở rộng mạng lưới. Ai sẽ dẫn đầu cuộc cạnh tranh này trong thời gian tới hay sự hợp lực mới chính là giải pháp tối ưu nhất.
Đường sắt cao tốc hiện đang nổi lên như một đối thủ nặng ký của hàng không trên các chặng ngắn và trung bình. Không chỉ tiết kiệm thời gian, đường sắt cao tốc còn hấp dẫn nhờ chi phí hợp lý, trải nghiệm thoải mái và lợi thế môi trường. Và châu Âu dẫn đầu xu hướng này với hơn 10.000 km đường sắt cao tốc.
Đường sắt cao tốc đang ghi điểm nhờ giúp hành khách tiết kiệm thời gian đáng kể – nhờ ga tàu thường nằm ở trung tâm thành phố và thủ tục nhanh gọn hơn so với sân bay. Chẳng hạn, chuyến Eurostar giữa London và Paris chỉ mất 2 giờ 15 phút, trong khi bay mất 1 giờ 15 phút nhưng tổng thời gian lại lâu hơn do di chuyển và làm thủ tục tại sân bay.
Giá vé cạnh tranh là một lợi thế lớn của đường sắt cao tốc. Tại châu Âu, sự tham gia của nhiều nhà khai thác như Ouigo (Pháp) hay Iryo (Tây Ban Nha) đã kéo giá vé xuống đáng kể. Ở tuyến Madrid – Valencia, nhu cầu đi tàu tăng 96% sau khi có thêm lựa chọn mới. Trên tuyến Madrid – Barcelona, giá vé tàu thậm chí thấp hơn tới 48% so với máy bay, khiến nhiều hành khách chuyển sang tàu cao tốc.
Độ tin cậy và đúng giờ là ưu thế nổi bật của đường sắt cao tốc, vốn ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết hay tắc nghẽn không lưu. Tại Pháp, tuyến Paris – Lyon duy trì tỷ lệ đúng giờ trên 90%, vượt trội so với nhiều chuyến bay nội địa thường xuyên trễ vì kiểm soát không lưu.
Tàu cao tốc ghi điểm nhờ trải nghiệm hành khách vượt trội: ghế ngồi rộng rãi, kiểm tra an ninh nhanh, không giới hạn hành lý và không cần tắt thiết bị điện tử. Hành khách có thể thoải mái di chuyển, dùng wifi miễn phí, thưởng thức dịch vụ ăn uống ngay trên tàu.
Đường sắt cao tốc không chỉ hiệu quả mà còn thân thiện với môi trường. Chủ tịch Transport & Environment, ông Arie Bleijenberg, nhận định: nếu thay thế các chuyến bay nội địa bằng tàu cao tốc, châu Âu có thể giảm 6–11% lượng khí thải CO₂ từ hàng không.
Dù đường sắt cao tốc ngày càng phát triển mạnh mẽ như vậy song hàng không vẫn khẳng định vị thế trên các tuyến bay dài, kết nối quốc tế và trung chuyển liên lục địa.
Với phạm vi hoạt động rộng khắp, hàng không có khả năng kết nối đến hàng nghìn điểm đến toàn cầu – điều mà đường sắt cao tốc không thể thay thế do giới hạn về hạ tầng. Chẳng hạn, từ Madrid, hành khách có thể bay thẳng đến New York hoặc Tokyo, trong khi tàu cao tốc chỉ hoạt động trong phạm vi nội địa hoặc khu vực.
Với các tuyến dài từ 800 km trở lên, hàng không chiếm ưu thế rõ rệt về thời gian. Tuyến Madrid – Paris dài 1.200 km chỉ mất khoảng hai giờ bay, trong khi đi tàu mất hơn sáu giờ.
Ngoài ra, hệ thống trung chuyển tại các sân bay lớn như Charles de Gaulle (Paris) hay Heathrow (London) giúp hành khách dễ dàng nối chuyến quốc tế. Đây là lợi thế vượt trội của hàng không trong vai trò cầu nối giữa các châu lục.
Hàng không cũng là lựa chọn ưu tiên của giới doanh nhân, chính khách nhờ dịch vụ cao cấp và tốc độ di chuyển nhanh. Chẳng hạn, tuyến bay London – New York, cung cấp khoang hạng nhất với ghế ngả phẳng, wifi tốc độ cao và nhiều tiện ích không thể tìm thấy trên tàu cao tốc.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không có thể linh hoạt điều chỉnh tần suất bay để đáp ứng nhu cầu thị trường, trong khi đường sắt phụ thuộc vào tuyến đường ray cố định.
Một lợi thế khác của hàng không là khả năng vượt qua địa hình phức tạp. Những tuyến như London – Dublin, vốn nằm trên hai hòn đảo khác nhau, gần như không có khả năng thay thế bằng đường sắt.
Như vậy, cả hàng không và đường sắt cao tốc đều có vai trò riêng trong hệ thống giao thông hiện đại.
Trong nỗ lực giảm phát thải và tối ưu vận tải, ngày càng nhiều quốc gia châu Âu đẩy mạnh tích hợp hàng không và đường sắt cao tốc. Tại Pháp, hãng Air France đã hợp tác với SNCF (đường sắt quốc gia) để thay thế một số chuyến bay nội địa bằng dịch vụ tàu cao tốc TGV. Cụ thể, hành khách từ Lyon, Bordeaux hay Nantes có thể đi tàu đến sân bay Charles de Gaulle và nối chuyến bay quốc tế ngay tại ga tàu tích hợp trong sân bay.
Tương tự, sân bay Frankfurt (Đức) có nhà ga tàu cao tốc riêng, kết nối thẳng với các thành phố lớn như Cologne, Stuttgart hay Munich, giúp hành khách dễ dàng chuyển tiếp mà không cần dùng đến chuyến bay nội địa.
Mô hình “train-to-flight” này không chỉ giảm lượng chuyến bay ngắn gây ô nhiễm mà còn mang lại trải nghiệm di chuyển liền mạch, tiện lợi – được xem là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên giao thông xanh.
Tại Việt Nam, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã hợp tác với Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Pháp (SNCF) và Deutsche Bahn (Đức) nhằm tích hợp lịch trình bay và tàu cao tốc, tạo ra một chuỗi hành trình liền mạch, thuận tiện cho hành khách. Mô hình này cho phép hành khách di chuyển từ các thành phố lớn bằng đường sắt cao tốc đến sân bay và tiếp tục nối chuyến quốc tế bằng đường hàng không – hoặc ngược lại – mà không cần lo lắng về khoảng cách hay thời gian trung chuyển.
Hơp lực hàng không – đường sắt cao tốc này phù hợp với xu thế toàn cầu nhằm cung cấp giải pháp vận chuyển “xanh”, hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn. Và chắc chắn rằng khi dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam hoàn thành, sự hợp lực này sẽ tạo ra sự bứt phá mới giúp tối ưu vận tải trong kỷ nguyên xanh.