Hàng loạt chuyến bay của các hãng hàng không như Vietjet, Vietnam Airlines… bị “delay” kéo dài trong ngày 21-22/4. Nhiều hành khách gặp khó khăn do phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ tại sân bay hoặc thất lạc hành lý dẫn tới ảnh hưởng công việc, lịch trình cá nhân.
Từ ngày 21/4 đến sáng nay 22/4, hàng loạt chuyến bay nội địa từ sân bay Tân Sơn Nhất đi các tỉnh ghi nhận tình trạng chậm giờ cất cánh kéo dài, khiến nhiều hành khách mệt mỏi vì chờ đợi.
Phản ánh với Tạp chí Hàng không, một số hành khách cho biết, có chuyến bay bị dời lịch khởi hành đến 3-4 lần, thời gian trì hoãn kéo dài nhiều tiếng đồng hồ.
Tại nhà ga quốc nội T1, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhiều hành hành khách phải ngồi vật vờ vì liên tục nhận được thông báo trễ chuyến.
Một số hành khách phản ánh chuyến bay VJ1632 từ TP.HCM đi Đà Nẵng, theo lịch trình cất cánh lúc 6h40 nhưng phải đến sau 17h30 mới khởi hành. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các chuyến bay từ TP.HCM đi Hải Phòng, Hà Nội như VN118, VN220 đều bị delay từ 1 đến 2 tiếng so với giờ khai thác ban đầu.
Chị Huyền Trang, một đại lý vé máy bay chia sẻ, hàng loạt khách hàng của chị phàn nàn, thậm chí khó chịu vì chuyến bay liên tục bị “delay”. Nhiều hành khách vì lịch công tác, nối chuyến… không thể đợi để lên máy bay, nên đã phải hoàn vé, đổi vé. Cũng theo chị Trang, ngoài việc chậm chuyến, nhiều hành khách phải đợi 3 – 4 tiếng đồng hồ mới lấy được hành lý ký gửi.
“Việc này vừa tốn kém vừa ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc, trải nghiệm của hành khách. Uy tín của đại lý cũng bị ảnh hưởng nên phải tìm cách hỗ trợ, xử lý cho khách sớm nhất có thể”, chị Trang chia sẻ.
Chị Nguyễn Hoàng Hiền cũng cho biết, chuyến bay của chị có lịch khởi hành lúc 16h10, tuy nhiên, phải đợi đến 23h30 mới được lên máy bay. Điều bất ngờ hơn là khi đến nơi, chị Hiền mới phát hiện ra hành lý của mình vẫn còn ở tại sân bay khởi hành.
Trong khi đó, tại khu vực hành lý đến, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhiều hành khách trên các chuyến bay của Vietjet cũng gặp khó khăn trong việc nhận lại hành lý ký gởi.
Ngoài Vietjet, Vietnam Airlines, Bamboo Airways cũng xuất hiện một số chuyến bay delay từ 1-2 tiếng so với giờ khai thác ban đầu.
Chẳng hạn, chuyến bay từ TP.HCM - Hải Phòng, Hà Nội gồm VN118, VN220 delay từ 1-2 tiếng so với giờ bay ban đầu.
Theo ghi nhận của Tạp chí Hàng không, đến sáng ngày 22/4, tình trạng chậm chuyến vẫn còn tiếp diễn. Nhiều hành khách lo ngại tình trạng trễ chuyến kéo dài nên đã liên lạc với các hãng bay để cập nhật thời gian khởi hành mới trước khi đến sân bay.
Về phía hãng hàng không Vietjet, sáng ngày 22/4 Vietjet thông báo nhiều chuyến bay thay đổi giờ do sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục điều chỉnh kế hoạch tiếp nhận tàu bay.
Cụ thể, do sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục điều chỉnh kế hoạch tiếp nhận tàu bay từ 8h30 đến 9h30 ngày 22/4/2025, nhiều chuyến bay đến và đi từ TP.HCM trong thời gian này phải điều chỉnh kế hoạch khai thác. Một số chuyến bay khác cũng chịu ảnh hưởng dây chuyền.
Đồng thời, Vietjet cũng cho rằng, thời tiết xấu đã ảnh hưởng tới nhiều chuyến bay tại Hà Nội.
Theo đó, do ảnh hưởng của thời tiết xấu tại khu vực sân bay Nội Bài (Hà Nội) trong chiều ngày 21/04/2025, một số chuyến bay của Vietjet đến và đi từ sân bay này đã phải điều chỉnh kế hoạch khai thác để chờ thời tiết tốt hơn.
Cụ thể, chuyến bay VJ102 chặng Côn Đảo đi Hà Nội và chuyến bay VJ774 chặng Nha Trang đi Hà Nội đã được chuyển hướng hạ cánh xuống sân bay Cát Bi (Hải Phòng) lần lượt lúc 15h45 và 16h07.
Chuyến bay VJ464 chặng Cần Thơ đi Hà Nội đã chuyển hướng hạ cánh tại sân bay Vinh (Nghệ An) lúc 16h19. Máy bay và toàn bộ hành khách dự kiến sẽ tiếp tục hành trình đến Hà Nội ngay khi điều kiện thời tiết cải thiện tốt hơn. Một số chuyến bay chịu ảnh hưởng dây chuyền.
Đại diện Vietjet lưu ý hành khách kiểm tra lịch trình bay và thời tiết trước khi đến sân bay. Nhiều chuyến bay có thể phải điều chỉnh kế hoạch khai thác do ảnh hưởng dây chuyền của thời tiết xấu.
“Những lúc thời tiết xấu, hãng hàng không rất mong nhận được sự chia sẻ của hành khách bởi đây là tình huống bất khả kháng, làm phát sinh chi phí lớn cho hãng hàng không, tốn kém chi phí… Tuy nhiên, an toàn của hành khách luôn được hãng ưu tiên hàng đầu”, thông báo của Vietjet nêu.
Còn theo tìm hiểu của Tạp chí Hàng không, việc chuyển đổi nhà ga khai thác từ T1 sang nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng một phần khiến các chuyến bay bị chậm, trễ.
Không ít hành khách cũng đối mặt với nhiều bất tiện về đường di chuyển giữa các nhà ga T1, T2, T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Nhiều người vẫn chưa quen với sơ đồ nhà ga mới, dẫn đến mất thời gian di chuyển và làm thủ tục.
“Tôi cần phía sân bay tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn, điều phối giao thông để có thể thuận tiện hơn trong việc di chuyển giữa các nhà ga, tránh ảnh hưởng tới việc trễ chuyến bay tiếp theo khi nối chuyến”, anh Nguyễn Thành Nhân, một hành khách chia sẻ với Tạp chí Hàng không.