Vietnam Airlines và Vietjet Air – hai “anh lớn” của ngành hàng không Việt Nam đã ký hàng loạt thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp Mỹ - thúc đẩy tăng trưởng trong ngành hàng không giữa hai quốc gia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Mỹ từ ngày 8/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc với các nhóm chuyên gia, trí thức, các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trong đó, Phó Thủ tướng đã chứng kiến Lễ trao Bản ghi nhớ hợp tác giữa công ty cổ phần hàng không Vietjet và công ty Air Finance của Hoa Kỳ cũng như chứng kiến buổi ký MOU giữa Vietnam Airlines và Ngân hàng Citi – một trong những tổ chức tài chính hàng đầu của Hoa Kỳ.
Cụ thể, Hãng hàng không Vietjet và AV AirFinance vừa ký kết thỏa thuận hợp tác tổng trị giá 300 triệu USD với sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Hồ Đức Phớc.
AV AirFinance thuộc Tập đoàn đầu tư Hoa Kỳ KKR, chuyên cung cấp các giải pháp tài chính tàu bay thương mại cho các hãng hàng không, công ty cho thuê tàu bay, đơn vị vận tải hàng hóa và nhà đầu tư.
Thoả thuận từ AV AirFinance là một phần trong loạt thỏa thuận tài chính trị giá 4 tỷ USD mà Vietjet đã thực hiện cùng các đối tác hàng đầu Hoa Kỳ. Các thỏa thuận phục vụ kế hoạch phát triển đội tàu bay mới, bao gồm gần 300 tàu bay dự kiến được bàn giao trong giai đoạn 2025–2027.
Ông Stephen Murphy, Tổng Giám đốc điều hành AV AirFinance cho biết, với thoả thuận này, AV AirFinance tin tưởng mạnh mẽ và cam kết đồng hành cùng hành trình tăng trưởng bền vững của Vietjet tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương với đội tàu bay thế hệ mới hiện đại.
Năm 2025, Vietjet bắt đầu tiếp nhận các tàu bay Boeing 737 Max đầu tiên trong đơn hàng 200 chiếc trị giá hơn 24 tỷ USD được công bố dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Việt Nam ngày 27/02/2019. Hãng hiện cũng đang trong quá trình đàm phán để mở rộng đơn hàng này, phục vụ chiến lược phát triển toàn cầu.
Bên cạnh Boeing, Vietjet hợp tác chiến lược với nhiều tập đoàn hàng đầu Hoa Kỳ như GE, Pratt & Whitney và Honeywell với tổng giá trị hợp đồng gần 50 tỷ USD, cùng các dự án đang đàm phán sâu trị giá khoảng 14 tỷ USD.
Riêng lĩnh vực động cơ và dịch vụ kỹ thuật với GE và Pratt & Whitney đã đạt quy mô hơn 10 tỷ USD. Ngoài ra, Vietjet cũng đang mở rộng hợp tác công nghệ với các tập đoàn như Microsoft, Apple, Google, và đàm phán với SpaceX để phát triển dịch vụ công nghệ trên toàn bộ đội tàu bay.
Những hợp đồng này trong tương lai gần sẽ góp phần rút ngắn đáng kể chênh lệch thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Mỹ, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cũng đã chứng kiến buổi ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Vietnam Airlines và Citibank.
Theo đó, Citibank - một trong những tổ chức tài chính hàng đầu của Hoa Kỳ, cam kết tài trợ vốn trị giá từ 560 triệu USD trở lên cho các dự án đầu tư chiến lược của Vietnam Airlines.
Cùng với cam kết tài chính, ngân hàng Citi cũng sẽ hỗ trợ tư vấn chiến lược cho Vietnam Airlines trong quá trình làm việc với các đối tác liên quan để xây dựng cấu trúc tài chính phù hợp, đảm bảo hiệu quả đầu tư và quản trị rủi ro.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng cường hợp tác giữa các hãng hàng không Việt Nam và Mỹ là một trong những giải pháp giúp cân bằng cán cân thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ.
TS Chu Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm nhóm ngành cử nhân Kinh doanh, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng, máy bay, dịch vụ, công nghiệp hàng không, khai thác dầu khí và nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu… là những lĩnh vực có thể giúp cân bằng thương mại giữa hai nước.
Việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực hàng không giữa hai quốc gia cũng mở ra những cơ hội mới trong các ngành như công nghệ, tài chính và đổi mới sáng tạo…
Vietjet và Vietnam Airlines được xem như hai “anh lớn” trong ngành hàng không Việt Nam.
Với chiến lược phát triển đội tàu bay hiện đại và mạng bay toàn cầu, hãng hàng không Vietjet đang vận hành hơn 115 tàu bay thế hệ mới, tiết kiệm nhiên liệu, và đã đặt hàng hơn 400 chiếc khác.
Trong khi đó, Vietnam Airlines - Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam - là lực lượng chủ lực trong vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á, hiện đang khai thác gần 100 đường bay tới 22 điểm nội địa và 30 điểm đến quốc tế tại 18 quốc gia.