Ngày 16/7, Bộ Giao thông Vận tải Anh chính thức thông báo dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 5 năm đối với các hãng hàng không Pakistan, sau khi nước này cải tổ toàn diện hệ thống an toàn hàng không.
Lệnh cấm từng được ban hành vào tháng 6/2020 sau vụ tai nạn thảm khốc của chuyến bay PIA 8303 tại Karachi, khiến 97 người thiệt mạng.
Sự kiện đó không chỉ gây chấn động toàn cầu mà còn hé lộ một thực trạng đáng báo động. Hàng trăm phi công Pakistan sử dụng bằng lái không hợp pháp hoặc gian lận trong quá trình cấp bằng.
Hệ quả là hàng không Pakistan bị các cơ quan hàng không lớn trên thế giới quay lưng từ Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) đến Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA).
Từ khủng hoảng đến cải tổ
Để lấy lại niềm tin quốc tế, Islamabad đã thực hiện một loạt biện pháp mạnh tay từ rà soát lại toàn bộ hồ sơ phi công, tái cơ cấu cơ quan quản lý hàng không, đến cải tiến hệ thống giám sát kỹ thuật và vận hành.
Theo một cuộc đánh giá độc lập do phía Anh tiến hành, hệ thống an toàn hàng không của Pakistan hiện nay đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Cao ủy Anh tại Pakistan đã đánh giá cao "mức độ hợp tác sâu rộng và nghiêm túc" giữa hai bên trong việc cải thiện năng lực giám sát và điều hành bay.
“Đây là một ví dụ cho thấy cải cách thực chất có thể giúp phục hồi vị thế quốc tế của một ngành từng bị mất uy tín”, ông nhận định.
Không dễ trở lại bầu trời
Tuy được dỡ bỏ lệnh cấm, các hãng hàng không Pakistan như PIA và Airblue vẫn phải trải qua quá trình cấp phép riêng từ Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (UK CAA).
Hiện PIA đã nộp hồ sơ để xin khôi phục đường bay Islamabad – Manchester với tần suất ba chuyến mỗi tuần. Đây là một trong những tuyến bay sinh lời quan trọng, gắn liền với cộng đồng người Pakistan tại Anh.
Tiến sĩ Irfan Malik chuyên gia phân tích hàng không tại Đại học Quaid-i-Azam (Islamabad) nhận định: “Việc nối lại đường bay sang châu Âu có thể coi là phép thử quyết định với khả năng hồi phục của PIA, đặc biệt khi hãng đang vật lộn trong tiến trình tư nhân hóa”
Áp lực kinh tế và kỳ vọng chính trị
Việc khôi phục đường bay tới Anh không chỉ có ý nghĩa thương mại với PIA mà còn mang yếu tố chính trị và cộng đồng. Khoảng 1,6 triệu người gốc Pakistan đang sinh sống tại Anh một thị trường khách hàng tiềm năng khổng lồ.
Về mặt chiến lược, động thái này cũng diễn ra trong bối cảnh chính phủ Pakistan đang tăng tốc cải cách các doanh nghiệp nhà nước, trong đó PIA là một trong những ưu tiên cao nhất.
Ngày 9/7/2025, Bộ Tư nhân hóa Pakistan công bố danh sách rút gọn gồm bốn ứng viên, trong đó có hãng nội địa Airblue và Tập đoàn Phân bón Fauji.
Hai liên danh còn lại do các tập đoàn trong nước dẫn đầu. Dự kiến, vòng đàm phán chính thức sẽ được khởi động vào cuối quý III/2025.
Tiến sĩ Saima Aslam, chuyên gia tài chính hàng không tại Viện Phát triển Pakistan, bình luận:
“Nếu PIA tận dụng tốt cơ hội này để tái kết nối với châu Âu, họ không chỉ vực dậy được doanh thu mà còn nâng cao giá trị trong mắt nhà đầu tư. Nhưng nếu quản trị yếu kém tiếp tục tái diễn, hãng sẽ lại bỏ lỡ một cơ hội tái sinh lịch sử.”
Việc dỡ bỏ lệnh cấm là một bước ngoặt mang tính biểu tượng, cho thấy hàng không Pakistan đã sẵn sàng trở lại cuộc chơi toàn cầu.
Nhưng cuộc đua phía trước vẫn đầy thử thách từ việc lấy lại lòng tin hành khách, đến cạnh tranh trong một thị trường quốc tế khắc nghiệt. Cánh cửa đã mở, nhưng để bay xa, Pakistan sẽ cần nhiều hơn những cam kết cải cách trên giấy tờ.