Hai phi hành gia “mắc kẹt” trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) suốt 9 tháng qua - ông Butch Wilmore và bà Suni Williams - đã hạ cánh an toàn xuống vùng biển ngoài khơi Florida, Mỹ.
Reuters cho biết, sau hành trình kéo dài 17 giờ, nhóm 4 người, trong đó có 2 phi hành gia kỳ cựu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ông Butch Wilmore và bà Suni Williams, cùng phi hành gia Nick Hague người Mỹ và Aleksandr Gorbunov người Nga đã tái nhập khí quyển vào khoảng 4h45 sáng 19/3 (theo giờ Việt Nam).
Các phi hành gia trở về Trái đất trên tàu vũ trụ SpaceX, hạ cánh an toàn xuống vùng biển ngoài khơi Florida, Mỹ. Con tàu đã giảm tốc độ từ khoảng 27.000 km/h xuống chỉ còn 27 km/h trước khi đáp xuống biển, cách bờ vịnh Florida khoảng 80 km.
"Khoảng 150 thí nghiệm và 900 giờ nghiên cứu của họ sẽ cung cấp thông tin cho các sứ mệnh lên Mặt Trăng trong tương lai. Phi hành đoàn đã làm rất tốt... Họ sẽ trở về Houston", Giám đốc NASA Steve Stich chia sẻ, đồng thời cho biết các phi hành gia sẽ có khoảng thời gian nghỉ ngơi xứng đáng bên gia đình sau khi kết thúc cuộc họp báo.
“Thật là một chuyến đi dài. Phi hành đoàn Crew-9 đang trở về nhà. Chúng tôi vinh dự khi được là một phần của các nỗ lực quốc tế vì lợi ích của nhân loại” chỉ huy Nick Hague chia sẻ với trung tâm điều khiển ngay khi tiếp nước.
Dù đối mặt nhiều thử thách, cả hai phi hành gia đều tỏ ra lạc quan. Bà Williams chia sẻ trước khi trở về rằng bà rất mong chờ được gặp lại gia đình và hai chú chó cưng của mình. "Đây gần như là một chuyến tàu lượn siêu tốc và có lẽ gia đình chúng tôi còn cảm thấy khó khăn hơn chính chúng tôi", bà nói.
Các phi hành gia sẽ được đưa lên một tàu cứu hộ và nhanh chóng bay về Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA tại Houston, Mỹ để kiểm tra sức khỏe trước khi đoàn tụ cùng gia đình.
Theo các chuyên gia, việc sống quá lâu ngoài vũ trụ có thể gây ảnh hưởng đến cơ thể con người, như teo cơ hoặc suy giảm thị lực. Hai phi hành gia đã mắc kẹt lại trên ISS tới 286 ngày - lâu hơn mức trung bình 6 tháng của các sứ mệnh ISS nhưng vẫn ngắn hơn kỷ lục 371 ngày liên tục của phi hành gia Mỹ Frank Rubio vào năm 2023.
Với phi hành gia Williams, chuyến đi này đánh dấu lần thứ ba bà bay vào vũ trụ, với tổng cộng 608 ngày trong không gian - đứng thứ hai trong lịch sử NASA, chỉ sau bà Peggy Whitson (675 ngày). Hiện kỷ lục thế giới thuộc về nhà du hành vũ trụ Nga Oleg Kononenko với 878 ngày.