Sau 13 năm vắng bóng, hãng hàng không Emirates ngày 17/7 đã chính thức nối lại đường bay đến thủ đô Damascus của Syria, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình tái hòa nhập của quốc gia từng bị cô lập bởi chiến tranh và cấm vận.
Chuyến bay EK913 từ Dubai đến Damascus đã hạ cánh vào lúc 14h30 với 286 hành khách, được chào đón bằng nghi thức vòi rồng truyền thống, biểu tượng cho một sự trở về đầy trang trọng.
Việc Emirates, hãng hàng không quốc tế lớn nhất thế giới nối lại hoạt động tại Syria không chỉ đơn thuần là mở thêm một đường bay.
Đó là thông điệp rõ ràng về việc các tuyến hàng không đang dần phá vỡ lớp băng cô lập ngoại giao từng bao quanh quốc gia này trong hơn một thập kỷ.
Ông Adil Al Ghaith, Phó Chủ tịch cấp cao của Emirates phụ trách thương mại khu vực, nhấn mạnh rằng đây là nỗ lực để “kết nối lại gia đình, cộng đồng và mở ra cánh cửa cho thương mại, đầu tư và du lịch”. Quan trọng hơn, ông tuyên bố Emirates sẽ đóng vai trò như một “đối tác trong công cuộc phục hồi của Syria”.
Quyết định này phản ánh tầm nhìn dài hạn của UAE trong việc tái định hình bản đồ hàng không khu vực và khôi phục ảnh hưởng tại Trung Đông, nơi các đường bay thường đi liền với ngoại giao và địa chính trị.
Tái lập mạng lưới – sự bứt phá của Damascus
Từng là một điểm trung chuyển quan trọng trước năm 2012, Damascus gần như bị cắt khỏi thế giới trong suốt thời gian nội chiến.
Tuy nhiên, trong vòng một năm qua, sân bay quốc tế Damascus đang chứng kiến sự phục hồi đáng kể. Từ chỉ 3 hãng hoạt động năm ngoái, con số này đã tăng lên 11 vào tháng 7/2025, với trung bình 15 chuyến bay mỗi ngày.
“Động thái này mở ra cơ hội cho các hãng lớn đang ngần ngại. Emirates có nguồn lực và uy tín để thử nghiệm, và nếu thành công, điều này có thể khơi dậy một làn sóng tái kết nối rộng lớn hơn.”
Jon Ostrower - Chuyên gia hàng không
Tuyến bay Dubai–Damascus hiện do Emirates khai thác ba chuyến/tuần bằng Boeing 777-200LR, dòng máy bay có sức chứa thấp nhất trong đội bay của hãng nhưng lại được trang bị ghế hạng thương gia “Game Changer” hiện đại.
Trong khi đó, đối tác Flydubai đã khai thác tuyến này từ tháng 6 với tần suất 2 chuyến/ngày.
Với sự tham gia của cả Emirates và Flydubai, Dubai nhanh chóng vươn lên thành điểm đến có tần suất cao thứ hai từ Damascus, chỉ sau Sharjah.
Tổng thể, UAE hiện đang là cửa ngõ hàng không lớn nhất của Syria, vượt qua cả Thổ Nhĩ Kỳ – vốn có các tuyến bay từ Istanbul và Ankara.
Hàng không có đủ an toàn để quay lại Syria?
Việc các hãng lớn như Emirates trở lại Syria có thể tạo hiệu ứng domino, khiến các hãng châu Âu từng dừng bay như Lufthansa hay Air France cân nhắc quay lại.
Tuy nhiên, đây không phải là một quyết định dễ dàng. Sân bay Damascus đã nhiều lần bị tấn công trong những năm gần đây, riêng trong hai năm qua đã bị không kích ít nhất năm lần, chủ yếu bởi Israel.
Trong khi đó, Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) vẫn duy trì cảnh báo về nguy cơ “bị tấn công có chủ đích hoặc nhầm lẫn với máy bay quân sự”.
Vì thế, các hãng phương Tây sẽ theo dõi sát sao những diễn biến sau bước đi tiên phong của Emirates.
Để bảo đảm an toàn, Syria đang tiếp nhận sự hỗ trợ từ các đối tác khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ đã cử đội kỹ thuật thuộc Tổng cục Sân bay Nhà nước sang giúp lắp đặt các thiết bị an ninh như máy quét tia X, detector dò dấu vết chất nổ và cổng kiểm soát kim loại, đồng thời huấn luyện lại nhân sự sân bay.
Khi bầu trời nói lên hòa giải
Sự trở lại của Emirates diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Syria và các quốc gia Arab đang dần ấm lên.
Các hãng hàng không như Flynas (Saudi Arabia) đã mở tuyến bay đến Damascus từ Riyadh và Jeddah. Dự kiến từ tháng 12, Flyadeal – hãng hàng không giá rẻ của Saudi – cũng sẽ khai thác hai tuyến này.
Điều này cho thấy hàng không không chỉ là phương tiện vận chuyển mà còn là công cụ ngoại giao.
Mỗi tuyến bay được mở lại không chỉ mang theo hành khách, mà còn mang theo kỳ vọng, cam kết và niềm tin vào một tương lai ổn định hơn cho Syria, quốc gia từng chìm trong bóng tối chiến tranh.
Việc Emirates quay lại Syria là một phép thử mang tính biểu tượng cho sự bình thường hóa trong khu vực. Nó không chỉ chứng minh rằng UAE sẵn sàng vượt qua rủi ro chính trị, mà còn cho thấy hàng không sẽ là công cụ thúc đẩy phục hồi sau xung đột.
Tiến sĩ Charles Lichfield, Phó Giám đốc Trung tâm Địa chiến lược Toàn cầu (Atlantic Council)
Việc Emirates trở lại Damascus không đơn thuần là nối lại một tuyến bay.
là biểu tượng cho sự dịch chuyển của trật tự khu vực, là dấu hiệu cho thấy hòa giải đang dần hiện hữu không chỉ trên bàn đàm phán, mà còn trên những đường bay từng bị bỏ hoang.
Dù con đường phía trước vẫn còn nhiều bất ổn, nhưng cánh én đầu mùa đã xuất hiện mang theo hy vọng cho một bầu trời Syria rộng mở trở lại.