Nga triển khai dòng máy bay không người lái (UAV) cảm tử Chernika trong cuộc tấn công vào thành phố Kharkov, đông bắc Ukraine.
Nga vừa lần đầu tiên triển khai dòng máy bay không người lái (UAV) cảm tử thế hệ mới mang tên Chernika trong một cuộc tấn công vào thành phố Kharkov, đông bắc Ukraine - đánh dấu một bước leo thang mới đáng lo ngại trong cuộc chiến bằng UAV tầm xa.
Theo xác nhận từ Thị trưởng Kharkov Ihor Terekhov, loại UAV mới này đã được sử dụng trong đợt tập kích gần đây, mở ra chương mới cho chiến lược tấn công giá rẻ nhưng hiệu quả của Nga.
Dòng UAV Chernika (tiếng Nga có nghĩa là “quả việt quất”) được phát triển theo hai biến thể.
Chernika-1 – phiên bản nhẹ, giá rẻ, thiết kế kiểu "cánh bay", làm bằng vật liệu xốp với khả năng bay tới 80 km, mang đầu đạn 0,7 kg, chủ yếu nhằm vào bộ binh và phương tiện không bọc giáp.
Còn Chernika-2 – phiên bản nặng và nguy hiểm hơn, có thể mang đầu đạn tới 3,5 kg, tầm hoạt động 100 km, được trang bị hệ thống tự dẫn và tự động bay đến vùng mục tiêu mà không cần sự kiểm soát liên tục từ người điều khiển.
Sự xuất hiện của Chernika-2 chính là mối đe dọa mới cho đối phương ở chiến trường. Một số nguồn tin thân Nga khẳng định biến thể này được tích hợp hệ thống tự tìm mục tiêu, khiến nó gần như miễn nhiễm với các biện pháp tác chiến điện tử – yếu tố khiến phương tiện phòng thủ truyền thống gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn.
Vũ khí giá rẻ, hiệu năng cao, sản xuất hàng loạt
Ngay từ đầu năm 2024, giới chức quốc phòng Ukraine đã ghi nhận quy mô sản xuất khổng lồ của dòng UAV này: 7.500 chiếc Chernika-1 và ít nhất 4.000 chiếc Chernika-2 đã được lắp ráp chỉ trong vài tháng.
Thiết kế đơn giản, chi phí thấp, vật liệu dễ kiếm nhưng vẫn tích hợp được công nghệ dẫn đường hiện đại... là những lý do khiến dòng UAV Chernika trở thành vũ khí cảm tử lý tưởng trong chiến tranh tiêu hao.
Điểm đáng chú ý là dù được đưa vào sử dụng tại mặt trận từ hơn một năm trước, nhưng đến nay Chernika mới lần đầu tấn công Kharkov — thành phố nằm chỉ cách biên giới Nga khoảng 25 km.
Sự chậm trễ này có thể do Nga đang giữ loại UAV này cho các mục tiêu chiến lược, hoặc đánh giá lại khả năng xuyên thủng lưới phòng không của Ukraine.
Ukraine đáp trả: Drone đánh chặn, tác chiến điện tử
Trước mối đe dọa mới, Ukraine đã nhanh chóng điều chỉnh chiến thuật. Các drone FPV (máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất) chống UAV – loại máy bay không người lái có khả năng truy kích và tiêu diệt UAV đối phương – đã được triển khai và bước đầu bắn hạ thành công ít nhất ba chiếc Chernika-2.
Dù được tích hợp dẫn đường tự động và khả năng tự tìm mục tiêu, Chernika vẫn cần sự điều khiển của con người trong giai đoạn tấn công cuối cùng. Chính vì vậy, tác chiến điện tử vẫn có thể phát huy hiệu quả, dù ở mức hạn chế, trong việc gây nhiễu và vô hiệu hóa các tín hiệu điều khiển.
Sự xuất hiện của Chernika-2 cho thấy Nga đang đẩy mạnh học thuyết "bão hòa bằng UAV giá rẻ", tận dụng số lượng để áp đảo lưới phòng không đối phương.
Với khả năng sản xuất hàng loạt, tích hợp công nghệ tự hành và chi phí thấp, dòng UAV này đang định hình lại mặt trận trên không ở Ukraine – nơi cuộc chiến không còn chỉ là của tiêm kích hay tên lửa hành trình, mà là trận địa UAV không khoan nhượng.
Chernika – dù nhỏ bé và khiêm tốn về mặt hình thức – có thể sẽ trở thành một trong những vũ khí định hình chiến tranh thế kỷ 21rẻ tiền, chết người và khó ngăn chặn.
Ukraine phát triển đạn đặc chủng tiêu diệt drone
Trong khi đó, về phía Ukraine, nước này vừa đạt bước tiến mới trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa từ trên không.
Nền tảng công nghệ quốc phòng Brave1, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chuyển đổi số, đã phát triển thành công loại đạn chuyên dụng chống drone, được thiết kế để tiêu diệt các UAV cỡ nhỏ như drone cảm tử FPV hay dòng Mavic phổ biến trên chiến trường.
Thông tin được công bố bởi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine Mykhailo Fedorov, nhấn mạnh rằng đây là sáng kiến từ cụm công nghệ Brave1 nhằm tăng cường đáng kể khả năng tác chiến tầm gần của bộ binh trước các mối đe dọa trên không.
Loại đạn mới này được tích hợp đầu đạn chuyên biệt, giúp tăng đáng kể xác suất tiêu diệt mục tiêu bay thấp, nhanh và linh hoạt như drone. Mục tiêu chung của chúng tôi là trang bị cho mỗi người lính một băng đạn như vậy, để có thể nhanh chóng nạp vào súng khi phát hiện nguy cơ từ trên không.
Mykhailo Fedorov - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi số Ukraine
Điểm đáng chú ý là loại đạn này đã được chuẩn hóa theo quy trình NATO, mở ra khả năng tích hợp rộng rãi trong các lực lượng vũ trang phương Tây.
Cạnh tranh trên không tầm thấp: Ukraine tìm lối đi công nghệ
Trong bối cảnh các drone cảm tử Shahed và UAV chiến thuật của Nga liên tục áp sát các khu vực dân cư, bay ở độ cao lên tới 2.000 mét, việc đánh chặn trở nên vô cùng khó khăn, đặc biệt tại các khu vực mà hệ thống phòng không quy mô lớn không thể triển khai.
Ukraine đã phải thích nghi nhanh chóng. Cùng với việc phát triển đạn đặc chủng, Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine – thông qua phát ngôn viên Yurii Ihnat – xác nhận đang thành lập một đơn vị chuyên trách đánh chặn drone, được trang bị các drone đối kháng có khả năng tiêu diệt UAV đối phương bằng kỹ thuật đánh chặn tầm gần.
Việc tích hợp khả năng phòng không vào tay mỗi binh sĩ, thông qua những viên đạn “tưởng như bình thường”, có thể tạo ra sự thay đổi lớn trên chiến trường hiện đại – nơi drone đã trở thành công cụ chiến tranh không thể thiếu.
Loại đạn này không chỉ giúp Ukraine đối phó linh hoạt hơn với các đợt tấn công UAV mà còn thể hiện cách tiếp cận công nghệ hóa trong tác chiến bộ binh hiện đại.