Du lịch - Golf

Đồng Nai khai thác thế mạnh văn hóa để phát triển bền vững khi “về chung nhà”

Anh Thư 03/07/2025 16:03

Từ 1/7, tỉnh Đồng Nai mới chính thức đi vào hoạt động trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai cũ.

Đây được coi là bước ngoặt quan trọng trong chiến lược tái cấu trúc không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ, mở ra kỳ vọng lớn về sự bứt phá toàn diện về kinh tế - xã hội.

Trong đó, văn hóa, với những nét tương đồng và tiềm năng phong phú, được xem là nền tảng tinh thần và là động lực quan trọng để Đồng Nai mới phát triển bền vững.

Cả hai vùng đất đều sở hữu hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, từ các di tích lịch sử kháng chiến như Chiến khu Đ, Căn cứ Tà Thiết, Nhà lao Tân Hiệp… đến những lễ hội dân gian và truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

Đây chính là những tài sản văn hóa quý báu, trở thành điểm tựa để hình thành nên bản sắc riêng, vừa hội tụ vừa lan tỏa các giá trị văn hóa đa dạng của tỉnh Đồng Nai mới.

mo-cu-thach-hang-gon-duoc-xep-hang-di-tich-cap-quoc-gia-dac-biet-03-.3356.jpg
Di tích khảo cổ Mộ cự thạch Hàng Gòn tại Đồng Nai được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: Bảo tàng Nhân học

Trong bối cảnh “về chung một nhà”, việc khai thác và phát huy hiệu quả thế mạnh văn hóa không chỉ là nhu cầu tất yếu mà còn là cơ hội vàng để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sự giao thoa giữa miền xuôi công nghiệp hóa của Đồng Nai với vùng cao nguyên đặc trưng của Bình Phước, nếu được kết nối hài hòa, sẽ tạo nên sức hút mới cho du lịch và công nghiệp văn hóa.

Việc đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch văn hóa – lịch sử, kết nối các tuyến điểm như Chiến khu Đ – Vườn quốc gia Cát Tiên – Sóc Bom Bo – Căn cứ Tà Thiết… sẽ không chỉ làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch mà còn góp phần giáo dục truyền thống, vun đắp niềm tự hào dân tộc.

betterimage_1751371944139.jpeg
Bàu Sấu - Điểm du lịch xanh lý tưởng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Vườn Quốc gia Cát Tiên

Một điểm nhấn quan trọng là phát huy vai trò của cộng đồng các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào S’tiêng, M’nông, Chơro…, trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa đặc sắc như hát ru, sử thi, cồng chiêng, nghề thủ công truyền thống.

Khi được đầu tư đúng hướng, những giá trị này không chỉ được bảo tồn mà còn có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao thu nhập và sinh kế bền vững cho người dân.

img_0960.jpg
Lễ hội cúng Thần Lúa (Sayangva) của dân tộc Chơro. Ảnh: Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Hành trình “về chung nhà” của Đồng Nai và Bình Phước không chỉ là sự kiện hành chính mà còn là cơ hội quý giá để kết nối, làm giàu thêm truyền thống và sức mạnh văn hóa. Khi xây dựng được hệ sinh thái văn hóa mang đậm bản sắc riêng, sức mạnh mềm từ văn hóa sẽ tiếp thêm nội lực, thúc đẩy Đồng Nai mới phát triển bền vững, xứng đáng trở thành điểm sáng của vùng Đông Nam Bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đồng Nai khai thác thế mạnh văn hóa để phát triển bền vững khi “về chung nhà”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO