Vào ngày 1 tháng 1 năm 1914, tuyến hàng không chở khách theo lịch trình đầu tiên trên thế giới chính thức cất cánh từ thành phố St. Petersburg đến Tampa, bang Florida, Mỹ
Quãng đường chỉ khoảng 27 km nhưng đã đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử hàng không dân dụng. Và dù chỉ hoạt động trong 4 tháng, tuyến bay St. Petersburg – Tampa Airboat Line đã mở đường cho những chuyến bay thương mại xuyên lục địa như ngày nay.
Percival Elliott Fansler, đại diện bán hàng cho một công ty động cơ diesel ở Florida, bị cuốn hút bởi thiết kế thủy phi cơ của kỹ sư hàng không Thomas Benoist.
Ông đề xuất thành lập một tuyến bay thương mại giữa hai thành phố nằm đối diện nhau qua vịnh Tampa - nơi mà hành trình bằng tàu thủy mất 2 giờ, bằng tàu hỏa mất 12 giờ và lái xe quanh vịnh có thể tốn đến 20 giờ. Trong khi đó, bay chỉ mất khoảng 20 phút.
Tuy kế hoạch bị chính quyền Tampa từ chối, Fansler nhận được sự ủng hộ tại St. Petersburg và thuyết phục được các nhà đầu tư. Ngày 12/12/1913, Benoist đến nơi cùng với phi công chính được chọn — Tony Jannus.
Tony Jannus là một phi công nổi tiếng thời đó, được mệnh danh là "kẻ mạo hiểm lãng mạn" khi từng biểu diễn bay, thử nghiệm máy bay quân sự và thực hiện chuyến nhảy dù đầu tiên từ máy bay vào năm 1912.
Năm 1913, ở tuổi 24, ông trở thành cổ đông chính của Công ty Benoist Aircraft. Với kinh nghiệm và cá tính đặc biệt, ông được chọn làm người điều khiển chuyến bay thương mại đầu tiên.
Chiếc máy bay được sử dụng là Benoist Model 14 – một loại thủy phi cơ nặng 567 kg, dài 8 mét, sải cánh 13 mét và đạt vận tốc tối đa 103 km/h. Nó được thiết kế đơn giản với ghế gỗ cho hai người ngồi cạnh nhau: phi công và một hành khách.
Vào sáng ngày đầu năm 1914, khoảng 2.000 người tập trung ở bến cảng St. Petersburg để chứng kiến lễ khởi hành. Tấm vé đầu tiên được đấu giá và thuộc về Abram C. Pheil – cựu thị trưởng thành phố, với mức giá 400 USD (tương đương hơn 11.000 USD ngày nay).
Khi máy bay cất cánh, Jannus vẫy tay chào đám đông. Trên hành trình, động cơ gặp trục trặc buộc ông phải đáp khẩn cấp xuống vịnh để kiểm tra, sau đó tiếp tục bay đến Tampa và hạ cánh thành công. Khoảng 3.500 người chờ đón họ ở điểm đến.
Sau khi hoàn tất công việc, Pheil cùng Jannus quay về St. Petersburg vào lúc 11 giờ sáng. Toàn bộ hành trình đi và về chỉ mất chưa đến 90 phút.
Tuyến bay vận hành 2 chuyến mỗi ngày, 6 ngày/tuần với giá vé 5 USD/người (tương đương khoảng 140 USD ngày nay). Hành khách phải đặt chỗ trước 16 tuần.
Sau này, một máy bay thứ hai được bổ sung và tuyến bay mở rộng đến các thành phố lân cận như Sarasota, Bradenton và Manatee. Em trai của Tony – Roger Jannus – trở thành phi công thứ hai.
Sau gần 4 tháng hoạt động, hãng đã phục vụ 1.205 hành khách. Tuy nhiên, lượng khách sụt giảm mạnh vào cuối tháng 3 khi người dân miền Bắc quay trở lại quê nhà.
Ngày 27/4/1914, anh em nhà Jannus thực hiện chuyến bay cuối cùng, biểu diễn trên bầu trời vịnh Tampa.
Tony Jannus tiếp tục biểu diễn và đào tạo phi công. Ngày 12/10/1916, trong lúc huấn luyện phi công Nga, ông gặp tai nạn và thiệt mạng trên biển Đen.
Thi thể ông không bao giờ được tìm thấy. Em trai Roger cũng qua đời trong một vụ tai nạn bay ở Pháp năm 1918.
Năm 1964, để vinh danh người tiên phong, hai Phòng Thương mại Tampa và St. Petersburg đã thành lập Hội Hàng không Danh dự Tony Jannus.