Từ 1/7, Phú Yên và Đắk Lắk chính thức sáp nhập, hình thành tỉnh Đắk Lắk (mới) – hội tụ đủ biển xanh, rừng già, mở ra triển vọng phát triển du lịch đa dạng và bền vững.
Một bên là dải ven biển Nam Trung Bộ với những vịnh biển trong xanh, bãi cát mịn, nguồn hải sản phong phú và văn hóa ven biển đặc trưng.
Một bên là cao nguyên đỏ bazan hùng vĩ với rừng nguyên sinh, thác ghềnh, lễ hội cồng chiêng và hệ sinh thái động thực vật phong phú.
Sự tương phản ấy không chỉ tạo nên lợi thế bổ trợ mà còn là chất liệu để xây dựng các sản phẩm du lịch “biển – rừng” độc đáo.
Kết nối để tạo đà phát triển
Bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, nhận định: Việc kết nối hai vùng biển – rừng sẽ mở ra thời cơ vàng trong phát triển du lịch liên vùng.
Với đường bờ biển dài hơn 189 km của Phú Yên cùng hệ sinh thái nguyên sinh của Đắk Lắk, các tour tuyến mới sẽ khai thác tối đa tiềm năng đặc sắc của cả hai địa phương.
Theo bà Hiếu, Hiệp hội Du lịch giữ vai trò then chốt trong việc kết nối doanh nghiệp, định hướng thị trường, xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính chuỗi giá trị – từ lưu trú, vận chuyển, ẩm thực đến trải nghiệm văn hóa, đồng thời chuẩn hóa dịch vụ và quảng bá thương hiệu chung biển – rừng.
Đây cũng là cơ hội để các tour tuyến hành lang biển – cao nguyên mở rộng ra thị trường quốc tế.
Liên kết “biển xanh – đại ngàn” nâng tầm du lịch
Ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phú Yên, chia sẻ: Chỉ với hơn 4 giờ di chuyển, du khách có thể đón bình minh đầu tiên ở Mũi Điện, rồi buổi chiều hòa mình giữa núi rừng Tây Nguyên, lắng nghe âm vang cồng chiêng bên tiếng thác Dray Nur cuộn đổ.
Đó chính là nét giao thoa biển – rừng mang đến trải nghiệm đa sắc thái, góp phần kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu du lịch.
Những tour kết nối Phú Yên – Đắk Lắk còn mở ra hướng đi mới cho du khách quốc tế từ sân bay Tuy Hòa khám phá Tây Nguyên, đồng thời đưa du khách Tây Nguyên về với biển để nghỉ dưỡng, chữa lành.
Không còn là hai miền tách biệt, “biển xanh – đại ngàn” đang hòa quyện tạo thành bức tranh du lịch mới mẻ, đầy sức hút.
Doanh nghiệp chủ động bắt tay, chia sẻ lợi ích
Ông Phạm Thọ Trường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn BB, cho biết doanh nghiệp đang sẵn sàng hệ thống xe limousine cao cấp kết nối Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Quy Nhơn, nâng chất lượng hành trình cho du khách.
Những tour như “Từ bình minh Mũi Điện đến hoàng hôn Buôn Đôn” hay “Một ngày hai mùa – một hành trình hai sắc thái” sẽ là sản phẩm khác biệt, đón đầu nhu cầu trải nghiệm mới.
Điều doanh nghiệp mong mỏi nhất hiện nay là tuyến quốc lộ 29 sớm được nâng cấp, đồng thời đẩy nhanh khởi công tuyến cao tốc Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột, tạo đột phá hạ tầng cho du lịch liên vùng biển – rừng.
Giao thương đặc sản: Giá trị cộng hưởng
Ở góc độ phát triển sản phẩm vùng miền, ông Đặng Xuân Thanh (chủ cơ sở sản xuất quà lưu niệm, thực phẩm Thanh Tuyền) nhấn mạnh: Kết nối Phú Yên và Đắk Lắk không chỉ dừng ở du lịch mà còn là kênh giao thương đặc sản hiệu quả.
Những sản phẩm như bò một nắng, hải sản chất lượng cao từ Phú Yên có thể tiếp cận thị trường Tây Nguyên, và ngược lại, cà phê, ca cao, mật ong Đắk Lắk sẽ chinh phục người tiêu dùng miền biển.
Các phiên chợ nông sản, hội chợ đặc sản vùng miền gắn với tour du lịch sẽ là giải pháp thiết thực để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, đồng thời làm phong phú hành trình trải nghiệm.