Suất ăn trên máy bay tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế có hẳn một ngành công nghiệp ở phía sau và các hãng đầu tư rất nhiều cho nó.
Khi bạn mở chiếc khay nhỏ trên bàn ăn và cầm thìa lên nếm món cà ri nóng hổi giữa không trung, có lẽ bạn không biết rằng đằng sau suất ăn ấy là cả một chuỗi dây chuyền hậu cần, công nghệ và sáng tạo bậc nhất ngành hàng không.
Trong một thế giới mà từng phút giây đều đắt đỏ và mỗi gram đều tính bằng xăng máy bay, dịch vụ suất ăn trên máy bay là một ngành công nghiệp kỳ công, vừa mang tính sống còn, vừa là nghệ thuật trải nghiệm hành khách.
Một suất ăn, hàng trăm bước chuẩn bị
Ngành hàng không đã phục vụ bữa ăn cho hành khách hơn một thế kỷ.
Từ vài chiếc bánh mì kẹp đơn sơ, giờ đây các hãng cạnh tranh bằng suất ăn 5 sao, hợp tác với bếp trưởng Michelin và quan trọng nhất đảm bảo hành khách ăn ngon ở độ cao mà vị giác gần như “lạc nhịp”.
Khoa học cho thấy vị giác của con người thay đổi đáng kể ở độ cao đó là việc khả năng cảm nhận vị mặn và ngọt giảm tới 30%.
Vì thế, đầu bếp hàng không thường sử dụng nhiều gia vị hơn, tận dụng vị umami từ phô mai, cà chua, nấm… để giữ sự ngon miệng.
Những nhà máy khổng lồ
Tại các sân bay lớn, bạn sẽ tìm thấy những nhà máy suất ăn đồ sộ như Newrest ở Atlanta (Mỹ) rộng tới 11.000 m², phục vụ hơn 3.000 suất ăn mỗi ngày cho Delta Air Lines.
Bên trong, từng miếng cà rốt được cắt đúng kích thước, từng khay thức ăn được đóng gói theo đúng trọng lượng hãng yêu cầu. Tất cả đều được lập trình bằng hệ thống robot và dữ liệu số hóa.
Sau khi chế biến, món ăn được làm lạnh nhanh dưới 8°C, đóng khay và đưa lên xe tải làm lạnh chuyên dụng.
Những chiếc xe này có hệ thống nâng thủy lực, nối thẳng vào cửa máy bay, nơi từng xe đẩy thức ăn được “đẩy” vào khoang bếp, sẵn sàng cho chuyến bay vài tiếng sau đó.
Ẩm thực được “tái sinh” trong cabin
Trái với suy nghĩ phổ biến, trên máy bay không dùng lò vi sóng. Tất cả được nướng lại bằng lò đối lưu chuyên dụng, giúp giữ nhiệt đồng đều.
Các hãng lớn như Singapore Airlines, Qatar Airways hay Turkish Airlines thường hợp tác với đầu bếp nổi tiếng để thiết kế thực đơn riêng cho hạng cao cấp.
Tuy nhiên, đây cũng là chiến lược marketing tinh tế bởi bữa ăn ngon là một phần của định nghĩa “dịch vụ đỉnh cao”.
Vấn đề an toàn cũng đặt ra những quy định ngặt nghèo. Phi công và cơ phó phải ăn các suất ăn khác nhau để nếu một suất có vấn đề, người kia vẫn có thể kiểm soát chuyến bay.
Đây là bài học xương máu từ vụ ngộ độc tập thể trên chuyến bay Japan Airlines năm 1975, khi hơn 140 hành khách bị nhiễm độc, nhưng phi công không bị ảnh hưởng vì... ăn món khác. Tiếp viên thì thường được quyền ăn phần thừa của hành khách, hoặc suất riêng tùy hãng.
Một số hình ảnh của ngành công nghệ suất ăn trên máy bay
Ngay cả các chuyến bay hàng hóa cũng có suất ăn vì phi công vẫn cần ăn như thường. FedEx nổi tiếng vì luôn để dành... bánh socola cho phi công.
Còn ở phân khúc cao cấp, các hãng máy bay tư nhân như VistaJet, NetJets cung cấp dịch vụ với rượu vang hảo hạng.
Khi đại dịch làm ngành hàng không chững lại, một số công ty suất ăn “chuyển mình” bằng cách bán suất ăn máy bay online, phục vụ cho những người ở nhà nhưng nhớ cảm giác trên không.
Singapore Airlines thậm chí từng mở nhà hàng A380 trên mặt đất để phục vụ thực khách nhớ bầu trời.
Giữa một thị trường mà mọi dịch vụ ngày càng giống nhau, một món ăn tinh tế và đúng thời điểm có thể tạo nên khác biệt đáng nhớ, giúp thương hiệu hàng không khắc sâu trong tâm trí hành khách.
Vì vậy, khi mở khay ăn ở độ cao 10.000 mét, hãy nhớ bạn đang thưởng thức thành quả của cả một ngành công nghiệp đầy tinh tế.