Việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp sẽ giúp cho ngành hàng không có nhiều thuận lợi khi giảm bớt cấp trung gian, rút ngắn quá trình ra quyết định, tăng tốc độ xử lý công việc.
Ngày 1/7, là một dấu mốc lịch sử của cả nước khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp chưa có tiền lệ ở Việt Nam chính thức vận hành.
Phát biểu tại Lễ công bố Lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu ngày 30/6, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh "Sắp xếp lại giang sơn" là quyết định chiến lược, mang tầm vóc lịch sử, thể hiện tư duy cải cách hành chính mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.
Cuộc cách mạng sắp xếp lại bộ máy lần này tác động trực và gián tiếp đến toàn bộ 100 triệu người dân Việt Nam. Trong đó, Ngành hàng không cũng có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là vấn đề quy hoạch, phát triển điểm đến, cảng hàng không.
Cũng ngày làm việc đầu tiên của chính quyền địa phương 2 cấp được triển khai trên phạm vi toàn quốc, Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Cục đã có thông báo đăng trên website của Cục về việc cập nhật địa chỉ Trụ sở Cục Hàng không Việt Nam theo địa giới hành chính mới từ ngày 01/7 với nội dung cụ thể như sau:
- Tên cơ quan: Cục Hàng không Việt Nam
- Địa chỉ cũ: Số 119 Nguyễn Sơn, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
- Địa chỉ mới sau thực hiện NQ số 76: số 119 Nguyễn Sơn, phường Bồ Đề, thành phố Hà Nội.
Như vậy, từ ngày 1/7 trở đi, địa chỉ trụ sở của Cục Hàng không Việt Nam sẽ theo địa giới hành chính mới và sẽ điều chỉnh địa chỉ nhận công văn, giấy tờ của Cục theo địa chỉ mới.
Đối với các cấp cơ sở của Cục cũng có sự thay đổi về địa chỉ trụ sở theo địa giới hành chính mới nhưng không có thay đổi về tên gọi.
Tuy nhiên, việc gửi văn bản đến các cấp cơ sở chủ yếu được thực hiện online nên hầu như không có vấn đề khó khăn phát sinh.
Đại diện Cục Hàng không nhìn nhận, cũng như các ngành, lĩnh vực khác, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính theo chính quyền địa phương hai cấp trong mô hình quản lý mới sẽ tạo nhiều thuận lợi và cơ hội phát triển cho ngành hàng không.
Đơn cử, từ việc quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, quản lý hoạt động khai thác cho đến việc kết nối địa phương, ngành liên quan, các phương thức giao thông... được phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền từ Trung ương xuống cho cấp tỉnh, cấp xã, giảm bớt cấp trung gian, điều này sẽ giúp rút ngắn quá trình ra quyết định, tăng tốc độ xử lý công việc.
Điều này sẽ giúp cho các nhiệm vụ của ngành Hàng không thực hiện đúng vai trò của cấp Trung ương là tập trung vào hoạch định chính sách và định hướng chiến lược, trong khi địa phương được trao quyền nhiều hơn trong triển khai thực hiện.
Ngoài ra, một trong những bước chuyển biến lớn về việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh gọn là chuyển Bộ Công an tiếp quản an ninh hàng không.
Theo Đại diện Cục Hàng không, sự thay đổi này là cần thiết và không làm cho vai trò và hoạt động của ngành hàng không bị xáo trộn.
"Vai trò của nhà chức trách hàng không Việt Nam vẫn là trực tiếp thực thi nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên", Đại diện Cục Hàng không cho hay.
Vào tháng 3/2025, sau khi khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã ký ban hành Quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng không Việt Nam.
Theo quy định, từ ngày 1/3, Cục Hàng không Việt Nam trực thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước.