Hơn 18.000 người Afghanistan đã được chính phủ Anh bí mật đưa đến lãnh thổ Anh trong gần hai năm qua, trong một chiến dịch không vận quy mô chưa từng có thời bình.
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 8/2023, khi một tờ báo Anh phát hiện ra rằng dữ liệu của hơn 100.000 người Afghanistan từng nộp đơn xin tị nạn tại Anh bao gồm nhiều người từng cộng tác với quân đội Anh đã bị rò rỉ.
Danh tính của họ, cùng với thông tin của các quan chức ngoại giao và tình báo, bị lọt vào tay các nhóm đối lập tại Afghanistan, đẩy họ vào nguy cơ bị Taliban truy sát.
Bộ Quốc phòng lập tức triển khai một kế hoạch được giữ tuyệt mật có tên là chiến dịch Operation Rubific với mục tiêu đưa càng nhiều người có trong danh sách rò rỉ đến Anh càng nhanh càng tốt.
Tuy nhiên, toàn bộ chiến dịch được thực hiện trong bóng tối, không thông báo tới Quốc hội, không thông qua kiểm toán ngân sách, không cho công chúng biết.
Theo tiết lộ từ các phiên điều trần kín tại Tòa án Tối cao, chi phí cho chiến dịch này đã vượt mốc 7 tỷ bảng Anh, và khoảng 23.900 người Afghanistan đã được lên danh sách định cư dài hạn tại Anh.
Tính đến tháng 7/2025, 18.500 người đã đến hoặc đang trên đường, trên các chuyến bay thuê riêng không đánh dấu, đáp xuống sân bay Stansted và căn cứ RAF Brize Norton.
Người được cứu chuẩn bị kiện chính phủ Anh
Trớ trêu thay, chính hàng trăm người Afghanistan từng được Anh giải cứu đang lên kế hoạch khởi kiện chính phủ Anh vì đã để lộ dữ liệu cá nhân của họ ngay từ đầu.
Chúng tôi đang đại diện cho hơn 1.000 người, và con số tiếp tục tăng. Họ không chỉ mất nhà cửa, phải chạy trốn, mà còn mất luôn quyền riêng tư và sự an toàn do sự cẩu thả của một chính phủ từng hứa sẽ bảo vệ họ.
Ông Adnan Malik - Luật sư đại diện từ hãng Barings Law (Manchester)
Nếu các vụ kiện thành công, chính phủ Anh có thể phải bồi thường thêm 1 tỷ bảng, nâng tổng chi phí vụ việc này lên mức “khó tưởng tượng”, theo nhận định của chuyên gia pháp lý Lucy Reynolds tại Viện Chính sách Công London (IPPR).
Sự mâu thuẫn dữ liệu từ chính phủ
Khi lệnh cấm bị gỡ bỏ, Bộ trưởng Quốc phòng John Healey đã ra điều trần trước Hạ viện, thừa nhận vụ rò rỉ là nghiêm trọng và xin lỗi người dân.
Tuy nhiên, ông khẳng định chỉ có khoảng 6.900 người được đưa đến Anh là do rò rỉ dữ liệu, và tổng chi phí chỉ từ 400 đến 850 triệu bảng, chứ không phải 7 tỷ bảng như hồ sơ tòa án đã ghi nhận.
Sự mâu thuẫn này làm dấy lên nghi ngờ từ các nghị sĩ đối lập. Ông Tanmanjeet Singh Dhesi, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện, cảnh báo rằng:
“Toàn bộ vụ việc là một mớ hỗn độn. Cần một cuộc điều tra độc lập để làm rõ trách nhiệm và khôi phục lòng tin vào cơ quan quốc phòng.”
Ngay cả Thẩm phán Justice Chamberlain người chủ tọa vụ kiện tại Tòa Tối cao cũng từng chất vấn thẳng thắn trong phiên điều trần:
“Tôi bắt đầu nghi ngờ chính mình... 7 tỷ bảng cho một chương trình tái định cư? Đây không phải chiến dịch quân sự, đây là một hoạt động nhân đạo, nhưng vẫn phải chịu sự giám sát ngân sách như mọi chính sách công khác.”
Từ khủng hoảng nhà ở đến an ninh xã hội
Hơn 20% nhà ở của Bộ Quốc phòng đã được trưng dụng để tái định cư người Afghanistan, trong khi một số địa phương ghi nhận tỷ lệ vô gia cư trong nhóm này lên tới 10%.
Nội bộ Bộ Quốc phòng cũng lo ngại rằng khi thông tin về chiến dịch bị rò rỉ, có thể xuất hiện nguy cơ bất ổn xã hội, nhất là ở các địa phương từng xảy ra bạo động trong mùa hè năm ngoái.
Việc tiến hành một chiến dịch nhân đạo theo cách bí mật và thiếu minh bạch như vậy, trong thời bình, sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
Chuyên gia an ninh quốc gia Dr. Matthew Tinsley - Đại học King ở London
Vụ Operation Rubific giờ đây không còn đơn thuần là một chiến dịch di tản.
Nó trở thành biểu tượng cho một loạt khủng hoảng đang bủa vây chính phủ Anh như khủng hoảng nhà ở, sự thiếu minh bạch trong hành chính công, và mối nguy từ những lỗ hổng an ninh mạng chưa từng được công khai.
Sự việc cho thấy, trong thời đại dữ liệu là vũ khí và lòng tin là tài sản chính trị. Một sai sót cũng có thể tạo ra chấn động kéo dài nhiều năm không chỉ trong phòng họp, mà cả trong cuộc sống của hàng chục nghìn con người đã từng tin rằng họ được cứu giúp.