Quốc tế

Chi phí thuế đè nặng, ngành hàng không Mỹ 'kêu cứu'

Thu Ngoan 01/05/2025 14:40

Ngành hàng không Mỹ lao đao khi vừa phải vật lộn với làn sóng suy giảm nhu cầu đi lại, vừa gánh thêm gánh nặng từ chính sách thuế quan. Trước áp lực đè nặng, các hãng bay và nhà sản xuất máy bay đồng loạt kiến nghị Nhà Trắng miễn trừ thuế.

3.jpeg
Ảnh: MSN.

Theo Reuters, tình thế hiện tại của các hãng hàng không Mỹ đang đặt ra bài toán hóc búa: vừa duy trì hoạt động và kiểm soát chi phí, vừa tìm cách đối phó với áp lực thuế đang ảnh hưởng đến toàn chuỗi cung ứng.

Trong khi chờ đợi quyết định từ chính quyền, các tập đoàn hàng không chỉ còn biết trông cậy vào những nỗ lực vận động hành lang.

Đồng loạt kiến nghị miễn trừ thuế

Đại diện các doanh nghiệp trong ngành hàng không Mỹ đã có nhiều cuộc làm việc với các quan chức cấp cao trong chính quyền, thậm chí trực tiếp với Tổng thống Donald Trump, nhằm khôi phục cơ chế miễn thuế theo Hiệp định máy bay dân dụng ký từ năm 1979.

american_airlines_aircraft_at_ph.jpg
Nhiều lãnh đạo hãng bay đã tính tới việc trả lại máy bay thuê và hoãn nhận máy bay mới do khó khăn về thuế quan. Ảnh: MSN.

Hiệp định này từng giúp ngành hàng không Mỹ đạt thặng dư thương mại lên tới 75 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, chính sách thuế mới đã chấm dứt "đặc quyền" kéo dài suốt nhiều thập kỷ này.

"Đội ngũ phụ trách của chúng tôi đang nỗ lực hết sức để chứng minh vì sao ngành hàng không cần được miễn trừ thuế" ông Devon May, Giám đốc tài chính của American Airlines chia sẻ.

Việc được miễn thuế sẽ giúp các hãng hàng không giảm chi phí trong bối cảnh người tiêu dùng đang siết chặt hầu bao vì lo ngại suy thoái kinh tế và lạm phát tăng cao.

Để thích ứng với tình hình, nhiều hãng đã phải cắt giảm chuyến bay, thu hẹp dự báo tài chính và kiểm soát chặt chẽ chi tiêu nhằm bảo vệ biên lợi nhuận. Đồng thời, họ cũng phản đối việc các nhà sản xuất máy bay và động cơ tăng giá để bù đắp chi phí thuế.

Không ít lãnh đạo hãng bay đã tính tới việc trả lại máy bay thuê và hoãn nhận máy bay mới.

2.jpeg
Ông Devon May, Giám đốc tài chính của American Airlines.

"Việc phải trả thuế cho những chiếc máy bay đó là điều thật khó chấp
nhận. Nó hoàn toàn không hợp lý về mặt kinh tế".

Các nhà cung cấp động cơ và linh kiện máy bay cũng khẳng định sẽ không tự gánh chi phí thuế quan, khiến nguy cơ mâu thuẫn với các hãng hàng không ngày càng rõ rệt.

Boeing dự kiến mỗi năm sẽ mất khoảng 500 triệu USD vì thuế, trong khi GE Aerospace – một trong những hãng sản xuất động cơ lớn nhất – cho biết hóa đơn thuế của họ có thể vượt 500 triệu USD. Đối thủ của GE Aerospace là RTX thậm chí ước tính thiệt hại lên tới 850 triệu USD mỗi năm.

Cả ba doanh nghiệp lớn này đang cố gắng triển khai các biện pháp giảm thiểu tác động, bao gồm tăng giá sản phẩm và tận dụng lượng đơn hàng tồn kho. Tuy nhiên, GE Aerospace, ông Larry Culp, cảnh báo các hãng hàng không nên cân nhắc kỹ trước khi trì hoãn nhận máy bay mới: "Nếu họ rút lui, vẫn còn rất nhiều khách hàng khác sẵn sàng thế chỗ".

Tính đến cuối tháng 3 vừa qua, American Airlines vẫn còn 14 chiếc máy bay đang chờ bàn giao từ các nhà sản xuất châu Âu và Brazil, trong đó có dòng Airbus A321 XLR – loại máy bay được lắp ráp tại châu Âu và có khả năng bị áp thuế.

"Chúng tôi thật khó tưởng tượng việc phải trả thêm 10% thuế hay thậm chí cao hơn cho những chiếc máy bay – khoản đầu tư vốn đã rất lớn", ông May nhấn mạnh.

Tương tự, hãng Delta Airlines cũng phản đối việc phải trả thuế cho các máy bay mới, cho rằng điều này phá vỡ các tính toán tài chính hiện tại của hãng.

Ảnh: Business-standard.
Delta Airlines cho rằng thuế quan sẽ phá vỡ các tính toán tài chính hiện tại của hãng. Ảnh: Business-standard.

Đáng chú ý, ngay cả những máy bay lắp ráp tại Mỹ cũng không tránh khỏi thuế, do phần lớn linh kiện được nhập khẩu. Boeing hiện phải trả 10% thuế cho linh kiện từ Italy và Nhật Bản, trong khi Airbus – dù có nhà máy tại Alabama – vẫn phải gánh thuế cho máy bay sản xuất tại đây.

Nhu cầu đi lại sụt giảm, ngành hàng không "khó bề xoay xở"

Theo Reuters, nếu nhu cầu đi lại tăng cao, thì các hãng bay có thể sẽ chấp nhận mức thuế hiện tại. Nhưng thực tế, lượng đặt vé trong hai tháng gần đây lại sụt giảm đáng kể, khiến các hãng mất dần khả năng định giá vé.

Dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, giá vé máy bay trong tháng 3 vừa qua đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất theo tháng kể từ tháng 9/2021. Các hãng buộc phải giảm giá để kích cầu.

Giám đốc tài chính của Alaska Airlines, ông Shane Tackett, cho biết phần lớn khách đặt vé hiện chỉ chọn các mức giá thấp. Đây là điều mà tất cả các hãng hàng không đều đang đối mặt.

5.jpg
Lượng đặt vé trong hai tháng gần đây lại sụt giảm đáng kể, khiến các hãng mất dần khả năng định giá vé. Ảnh: Moment Factory.

Trong khi đó, American Airlines tuyên bố không kỳ vọng người tiêu dùng sẽ chấp nhận mức giá cao hơn vì lý do thuế. GE Aerospace dự báo số lượt cất cánh của máy bay tại khu vực Bắc Mỹ – chiếm 25% lưu lượng hàng không toàn cầu – sẽ sụt giảm do các hãng cắt lịch bay.

Diễn biến này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mảng dịch vụ sau bán hàng của hãng trong vòng 4 quý tới.

Trong khi Nhà Trắng cho rằng các mức thuế hiện nay nhằm chống lại tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài và phục hồi ngành sản xuất trong nước, thì lãnh đạo ngành hàng không lại đưa ra một lập luận khác.

Các đại diện ngành hàng không nhấn mạnh rằng lĩnh vực hàng không vũ trụ là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Mỹ, với kim ngạch hơn 135 tỷ USD mỗi năm. Họ cũng chỉ ra rằng phần lớn các nhà máy sản xuất và lực lượng lao động đều đặt tại Mỹ.

Ông Larry Culp, Giám đốc điều hành GE Aerospace, chia sẻ đã có cuộc gặp với Tổng thống Trump để giải thích lợi ích của chính sách miễn thuế trong suốt nhiều thập kỷ qua, đồng thời cho biết phía chính quyền "hiểu rõ quan điểm" của ông, dù "vẫn còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết".

Nổi bật
Mới nhất
Chi phí thuế đè nặng, ngành hàng không Mỹ 'kêu cứu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO