Trước đà tăng của giá Jet-A, các hãng hàng không nội địa Trung Quốc đồng loạt khôi phục phụ phí nhiên liệu từ ngày 5/7.
Trong bối cảnh giá dầu toàn cầu liên tục biến động, nhiều hãng hàng không nội địa Trung Quốc triển khai đồng loạt chính sách tăng phụ phí nhiên liệu (FSC), gây chú ý mạnh trên mạng xã hội và trong dư luận hành khách.
Từ ngày 5/7, China Eastern Airlines áp dụng phụ phí mới: 10 CNY cho chặng bay ≤ 800 km, 20 nhân dân tệ (~ 72.000 đồng) cho chặng dài hơn, miễn phí cho trẻ sơ sinh, trẻ em và quân nhân thương binh… Vé xuất trước ngày 5/7 nếu đổi hành trình phải áp phí mới, không được giữ mức cũ.
Không chỉ riêng China Eastern, các hãng hàng không lớn khác như China Southern, Air China, Hainan Airlines và Xiamen Air cũng đồng loạt nâng phụ phí theo cùng mức và thời điểm, cho thấy sự chỉ đạo chung theo khung phụ phí do CAAC và NDRC ban hành – yêu cầu linh hoạt theo giá nhiên liệu và minh bạch với hành khách
Theo báo cáo từ Webull, đây là đợt điều chỉnh FSC thứ hai liên tiếp chỉ trong khoảng một tháng (bắt đầu từ đầu tháng 6): lần đầu diễn ra vào 5/6, khi các hãng khôi phục mức 10 CNY cho chặng dài và miễn phí cho chặng ngắn
Cơ sở pháp lý của việc thu phụ phí được đặt trên cơ chế “giá trần nhiên liệu”, được ban hành từ năm 2009 bởi Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) phối hợp với Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC).
Theo đó, nếu giá nhiên liệu Jet-A nội địa vượt ngưỡng 4.140 nhân dân tệ/tấn (~ 15 triệu đồng), các hãng hàng không được phép thu phụ phí để bù đắp chi phí nhiên liệu bay. Đây là một chính sách đã được áp dụng từ lâu tại Trung Quốc và được kích hoạt một cách tự động theo giá thị trường.
Dữ liệu được dẫn từ báo cáo chuyên ngành và các công bố chính thức cho thấy, trong tháng 6/2025, giá nhiên liệu Jet-A trung bình tại Trung Quốc đã vượt ngưỡng 4.300 CNY/tấn, đủ điều kiện để các hãng áp dụng phụ phí. Đây là lý do chính dẫn đến việc điều chỉnh mức thu từ đầu tháng 7.
Theo quy định của CAAC, các hãng bay phải thông báo việc điều chỉnh FSC tối thiểu 7 ngày trước khi áp dụng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng về cơ chế giám sát việc thực hiện thông báo trên các kênh trung gian như OTA (Online Travel Agency) – vốn là nền tảng được đông đảo hành khách Trung Quốc sử dụng để đặt vé.
Việc tái áp dụng FSC trong tháng 7/2025 được đánh giá là phù hợp với điều kiện thị trường và khung pháp lý hiện hành. Tuy nhiên, trong bối cảnh hành khách ngày càng chú trọng đến tính minh bạch chi phí toàn trình, đặc biệt khi đặt vé qua OTA, việc cập nhật định kỳ các thay đổi phụ phí, đồng thời hiển thị rõ ràng trong quá trình đặt vé, được cho là sẽ góp phần hạn chế rủi ro truyền thông và tăng cường niềm tin thị trường.